SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Thương mại hóa nghiên cứu khoa học: Bài toán khó đang chờ giải

09:55, 23/07/2020
(SHTT) - Việc thương mại hóa nghiên cứu khoa học vẫn là 1 bài toán nan giải. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN năm 2020 và các năm tiếp theo là đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Trong khi có hàng loạt kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được cất vào tủ, thì các doanh nghiệp đang đau đáu đi tìm những công trình nghiên cứu có thể biến thành sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng. Cuộc trốn tìm này đã tồn tại nhiều năm nay.

Giải bài toán “trốn tìm” trên là trách nhiệm của không chỉ các trường đại học và viện nghiên cứu, không chỉ của doanh nghiệp, và không riêng của cơ quan chức năng, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học. Đó cũng là "công thức" phát triển mang tính quốc tế.

Trên thực tế, ở Việt Nam, việc chuyển đổi những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành những sản phẩm có thể thương mại hóa còn rất gian nan. 

thuong mai hoa nghien cuu khoa hoc

 Thương mại hóa nghiên cứu khoa học: Bài toán khó đang chờ giải

Theo ThS Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện số đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2007 (2.860 đơn) đến 2017 (5.382 đơn). Tuy nhiên, có đến gần 90% chủ đơn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong khi chủ đơn Việt Nam chỉ chiếm con số rất khiêm tốn là trên dưới 10%.

Trong đó, năm 2017, các chủ thể Việt Nam được cấp 109 bằng độc quyền sáng chế (chiếm chưa đến 7% số bằng được cấp trong năm). Trong khi đó, số bằng độc quyền sáng chế cấp cho các chủ thể nước ngoài là 1.636 (chiếm đến hơn 93% số bằng được cấp trong năm).

Như vậy, nếu so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN+ 3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với Thái Lan, Singapore. Theo tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2017, tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam lần lượt là 3.133, 1.439 và 669.

ThS Nguyễn Minh Huyền Trang cũng nói thêm, hiện vẫn còn khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% sử dụng công nghệ từ những năm 1980 và 50% sử dụng công nghệ từ những năm 1990. Chính vì sử dụng công nghệ lạc hậu, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt không đáp ứng chất lượng, mẫu mã nên sức cạnh tranh thấp. "Nếu xác định các kết quả nghiên cứu phải bảo đảm tính mới, sáng tạo và tính ứng dụng trong thực tiễn thể hiện ở số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ nói chung và số đơn đăng ký sáng chế nói riêng như hiện nay thì không phản ánh đúng tiềm năng của các trường, viện. Quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học và doanh nghiệp còn nhiều bất cập và là vấn đề rất cấp thiết trong phát triển nghiên cứu khoa học", bà Huyền Trang nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một công nghệ do trường đại học/viện nghiên cứu phát triển cần khắc phục ba lỗ hổng sau mới có thể tiếp cận được thị trường thương mại.

Lỗ hổng khám phá công nghệ cản trở việc đánh giá tính khả thi thương mại của những khám phá khoa học tiên tiến. Để khắc phục được lỗ hổng này, các trường đại học/viện nghiên cứu cần chuyển đổi các khái niệm và thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ thông thường, chứng minh khái niệm và phát triển các nguyên mẫu sẵn sàng tung ra thị trường cũng như nghiên cứu các bằng sáng chế có liên quan. Việc thúc đẩy các nhà khoa học tiết lộ và thương mại hoá những khám phá của họ cũng là một thách thức đối với nhiều trường đại học/viện nghiên cứu do một loạt các yếu tố nghề nghiệp, tổ chức và văn hóa.

Lỗ hổng thương mại hóa nằm giữa một cơ hội kinh doanh khả thi và một doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Để khắc phục được lỗ hổng này, các trường đại học/viện nghiên cứu cần phát triển một cơ chế để tạo ra giá trị, xây dựng một mô hình kinh doanh có thể nắm bắt được một phần giá trị đó và xác định thị trường mục tiêu. Các công nghệ được trường đại học/viện nghiên cứu phát triển ở giai đoạn đầu ít khi có sẵn các yếu tố trên, tạo ra một lỗ hổng thương mại hóa giữa các nhà sáng chế và doanh nhân khởi nghiệp.

Cuối cùng, việc khởi động một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại một trường đại học/viện nghiên cứu tạo ra một loạt các thách thức liên quan đến việc thành lập và tài trợ của doanh nghiệp. Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chỉ có thể được khắc phục khi quyền sở hữu công nghệ được bảo hộ, một đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm cam kết khởi nghiệp và nguồn tài trợ hạt giống được bảo đảm. Nếu không có tất cả ba yếu tố trên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể cảm kết tài trợ cho sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thanh Trúc

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Công ty Weichai Power của Trung Quốc mới đây đã chính thức ra mắt động cơ diesel đầu tiên trên thế giới đạt được mức hiệu suất thân nhiệt lên tới 53,09%. Đây là thành tựu sau nhiều năm nghiên cứu từ đội ngũ sản xuất của công ty này.
Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây các nhà khoa học đã có thành tựu mang tính “cách mạng” với sự ra đời của “Máy ảnh thơ”, một thiết bị không chỉ hỗ trợ AI, mà còn là một công cụ biến những bức ảnh bình thường thành những bài thơ đầy cảm xúc.
Khoa học Công nghệ 6 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đang trở thành đòi hỏi cấp bách, việc triển khai các chuẩn về an toàn thông tin (ATTT) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.
Khoa học Công nghệ 9 giờ trước
(SHTT) - Chủ trì cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cần xác định chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực, dự báo chính xác thị trường.