SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Thương mại điện tử - môi trường ảo, trục lợi thật

08:29, 13/01/2019
(SHTT) - Lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh và khá phổ biến tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này cũng kèm theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng thật giả, dữ liệu, công nghệ, thủ tục quy trình giao dịch của tổ chức, luật pháp, các tiêu chuẩn công nghệ...

Gian lận nở rộ

Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng, lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.

thuong mai dien tu

 Đa dạng chiêu thức trục lợi 

Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội nước ngoài về mua sắm, bán lẻ, du lịch, khách sạn, quảng cáo trực tuyến... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chưa được kiểm soát gây thất thu thuế, tạo cơ hội cho dòng tiền chảy ra nước ngoài.

Các mặt hàng được bày bán chủ yếu trên mạng bao gồm thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, thời trang, hàng tiêu dùng có giá trị...

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ mạnh; trang thiết bị, kiến thức, chuyên môn phục vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Đồng thời các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, cất giấu hàng hóa ở nhiều nơi, thậm chí ngay tại chỗ ở nên rất khó xác định kho hàng để kiểm tra, xử lý.

Các đối tượng thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp; các trang website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó phát hiện cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh.

Lẫn lộn thật - giả

Hàng hóa kinh doanh online không giới hạn ở hàng tiêu dùng, thời trang, điện tử - điện máy... mà ngày càng xuất hiện nhiều ngành hàng mới như thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền... Điều này mang đến sự tiện lợi cho nhiều cư dân thành thị khi tiết kiệm được thời gian mua sắm, cơ hội “săn” hàng khuyến mãi hay mua nhiều hàng đồng giá… Tuy nhiên, hiện trên thị trường online cũng xuất hiện không ít hàng gian, hàng giả, hàng gian lận thương mại.

Đã không ít người mua phải hàng dởm, nhận hàng không đúng như cam kết, do đó các chuyên gia cảnh báo người mua nên hết sức thận trọng mỗi khi giao dịch online để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đặc biệt, thực tế phổ biến hiện nay là hầu hết các đơn hàng thông qua các kênh bán hàng online, trang mạng xã hội, người mua và người bán giao dịch với phương châm “tin nhau là chủ yếu”, chỉ khi hàng giao đến nơi thì may ra người mua mới kiểm tra được sản phẩm trong đơn hàng của mình. 

h4

Các kênh online áp giá "sốc" thu hút người tiêu dùng 

Song song với việc chủ động đa dạng chủng loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng, điện tử - điện máy, thời trang, thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền... để hút khách hàng, hầu hết các trang bán hàng online đều thường xuyên tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Chỉ cần một cái click chuột vào các trang thương mại điện tử phổ biến như Sendo.vn, Lazada.vn, Zalora.vn, Hotdeal, Tiki.vn, Chodientu... có thể dễ dàng thấy ngay ở giao diện chính luôn chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 49%. Khi hoạt động khuyến mãi, giảm giá không còn tạo sức hút như trước đây, các trang thương mại điện tử lập tức đổi mới phương thức kích cầu tiêu dùng thông qua khuyến mãi đồng giá, hay giảm giá sốc vào thời điểm nhất định cho một ngành hàng...

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù, thương mại điện tử có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh trong thế giới hiện đại, nhưng ở Việt Nam hoạt động thương mại điện tử vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ rất thấp, mang tính bán sơ khai, chưa chuyên nghiệp, tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước vẫn đuối hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. 

Hoạt động thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý. Các chủ thể hoạt động thương mại điện tử dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ khi vi phạm... Bên cạnh khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái, thì tình trạng gian lận thuế là một trong những vấn đề nhức nhối của các cơ quan chức năng. Chưa kể, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mua sắm, bán lẻ, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến còn tạo cơ hội cho dòng tiền “chảy” ra nước ngoài…  Điểm dễ nhận thấy của thương mại điện tử là giao dịch qua internet và chủ yếu người mua là khách lẻ. Hóa đơn bán hàng và chứng từ thường sơ sài, thậm chí không có. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giấy bảo hành sản phẩm. Vì thế, việc các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ dễ dàng qua mặt cơ quan thuế. Nhiều công ty mua bán online, mặc dù chưa được cấp phép đầy đủ, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bán lẻ, trốn thuế và lừa đảo thông qua website. Vì vậy, yêu cầu có những quy định chặt chẽ hơn với các công ty kinh doanh online là rất cần thiết.  Bên cạnh đó, người có nhu cầu mua sắm trên các trang mạng rất lớn nhưng hầu hết khách hàng phải lựa chọn các kênh gián tiếp với chi phí cao, gấp nhiều lần giá trị món hàng. Lý do đầu tiên của tình trạng này là hệ thống địa chỉ không đồng nhất khiến hàng hóa gửi qua đường bưu điện hay bị thất lạc. Các gian hàng trên những trang web này thường phải hoàn tiền cho người mua. Do đó, Việt Nam bị nhiều nhà bán lẻ đưa vào danh sách không chuyển hàng qua đường bưu điện. 

Cơ quan chức năng đau đầu

Thực trạng gian lận thương mại hiện nay đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử. Các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản. Nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo quấy rối người dùng là thực trạng đáng buồn của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay. Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, so với khoản lợi nhuận từ hành vi bất chính gây ra không đáng là bao. Chính vì thế, các doanh nghiệp gian lận vẫn tìm đến thương mại điện tử để thực hiện hành vi, và trốn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo, họ sẽ rất dễ rơi vào bẫy của các doanh nghiệp này.

Xói mòn lòng tin

Hình thức kinh doanh mua bán này ở nước ta vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng thì đa phần không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thương mại điện tử, không an tâm khi thanh toán trực tuyến và nhiều người không biết cách mua hàng trực tuyến. Cụ thể, trong giao dịch điện tử, khách hàng luôn phải tuân theo các hợp đồng mà mình hoàn toàn không có quyền thương lượng, trong đó giá cả có thể bị đội lên nhiều lần so với giá thực tế trên thị trường, sau đó sử dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Các sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng xem xét và chấp nhận đặt mua trên website thương mại điện tử có thể không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên thực tế, điều này rất dễ gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Về vấn đề thông tin cá nhân, rất nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ có thể bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức thương mại điện tử cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng. Việc thanh toán thực tuyến cũng khó khăn khi phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen thanh toán qua thẻ, và chế độ bảo mật thẻ cũng không được các doanh nghiệp chú trọng.

Giải pháp giao dịch an toàn

Để giao dịch TMĐT an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý :

- Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra.

- Chú ý đến danh sách đen (black list) mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, các tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín và bị cấm hoạt động.

- Tìm kiếm thông tin về mặt hàng (các đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ,…) - Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, email…).

- Giữ lại bản sao của tất cả các tài liệu, bao gồm kể cả hồ sơ điện tử dự thầu, đấu giá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ thư điện tử (email) và các hóa đơn, khoản thu để đề phòng  trường hợp có vấn đề phát sinh.

- Tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành…

- Chọn lựa hình thức thanh toán an toàn (Chọn phương thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro…)

- Nếu trả tiền bằng thẻ tín dụng mà không nhận được sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ, hãy liên hệ với ngân hàng thực hiện việc thanh toán qua thẻ yêu cầu họ hủy bỏ ngay khoản phí thanh toán trái phép.

- Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.

Giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại điện tử

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng gian lận thương mại điện tử, cần tăng cường đấu tranh, phòng, chống việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả  nhằm lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế chính sách, qui định của pháp luật trong công tác quản lý  nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử...

Bùi Hương

Tin khác

Tài sản trí tuệ 58 phút trước
(SHTT) - Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ trong vụ kiểm tra kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 6, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Chiều 28/3 vừa qua, tại Siêu thị Trung Vân, địa chỉ Khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Đình Thành làm chủ, lực lượng QLTT đã phát hiện lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.