Thuốc điều trị kháng virus có hiệu quả với biến thể mới Omicron hay không?
Trở lại "bình thường mới" đồng nghĩa với việc các địa phương phải chấp nhận sẽ có F0 trong cộng đồng và số ca F0 có thể tăng. Bên cạnh đó, cần tăng cường bao phủ vaccine, nghiêm túc thực hiện 5K để kiểm soát số F0 trong cộng đồng.
Việt Nam đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp, đồng thời Bộ cũng đưa nhiều loại thuốc mới vào điều trị. Thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng như Molnupiravir sẽ là công cụ hữu hiệu cho mục tiêu kiểm soát dịch hiện nay.
Theo kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa, tiến hành tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), Đại học Y dược TP.HCM cho thấy, tính an toàn và hiệu quả thuốc đã được Bộ Y tế cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 ở thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8 năm nay. Hiện đã mở rộng triển khai tại hơn 20 địa phương có dịch trong toàn quốc.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác điều trị COVID-19, bệnh viện đã triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này theo phân công của Bộ Y tế.
“Thuốc sử dụng theo đường uống tiện lợi là giải pháp tốt để triển khai điều trị diện rộng trong cộng đồng, vượt trội hơn hẳn so với các thuốc dạng tiêm hiện hành. Tính hiệu quả trên lâm sàng tương đối, tính an toàn cao với tỷ lệ biến cố bất lợi thấp, giảm đáng kể tỷ lệ chuyển nặng, chuyển tầng điều trị và tử vong. Chương trình điều trị có kiểm soát giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế vì giúp giảm số bệnh nhân cần điều trị tích cực hoặc thở máy… Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra Molnupiravir giúp giảm một nửa nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Ông cũng đề xuất việc mở rộng tiếp cận thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà và hoàn thiện quy trình phê duyệt thuốc tại Việt Nam, đồng thời tiếp cận xã hội hóa nguồn thuốc, nâng cao khả năng phủ rộng cho cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến khó lường, tới đây số ca mắc mới có thể gia tăng do có sự di chuyển từ vùng có dịch và ngược lại. Đặc biệt, giới chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Việc virus biến đổi liên tục thì liệu thuốc điều trị COVID-19 có làm thay đổi cuộc chiến với COVID-19?
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới là giải pháp mà các quốc gia trên thế giới lựa chọn, chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa. Mục tiêu về mặt y tế là kiểm soát dịch bệnh chứ không để cho dịch kiểm soát mình.
Chấp nhận có F0 ở trong cộng đồng, nhưng không để ảnh hưởng đến đời sống xã hội, phải đảm bảo 3 không: Không nhiễm (thực hiện vaccine + 5K), nếu nhiễm thì không chuyển nặng và nếu có chuyển nặng thì không tử vong.
Tính đến thời điểm này, vaccine vẫn là công cụ hữu hiệu số 1, nó có thể giảm khả năng mắc và giảm khả năng chuyển nặng và không tử vong. Công cụ số 2 là vấn đề dự phòng - thì ý thức của người dân vẫn là tuân thủ 5K, trong đó quan trọng nhất là khẩu trang và khoảng cách.
Mục tiêu thứ 3 nếu mắc thì không chuyển nặng, bảo đảm không tử vong và thuốc kháng virus Việt Nam đang tiếp cận có vai trò rất quan trọng.
Quỳnh Anh