SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thực trạng đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Tây Nguyên

07:08, 07/07/2020
(SHTT) - Tại hội thảo "Sở hữu trí tuệ - Công cụ đắc lực thúc đẩy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp", TS. Đinh Mạnh Tuấn và NCS. Trần Thị Hải Yến, Viện Nghiên cứu châu Âu đã có bài tham luận về thực trạng đăng ký bảo hộ, cơ hội và thách thức trong bảo tồn tài sản trí tuệ tại Tây Nguyên.

Thực trạng đăng ký sở hữu trí tuệ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên những năm gần đây có xu hướng tăng lên đáng kể, điều này một mặt phản ánh nhận thức của người dân và doanh nghiệp tại địa phương về lĩnh vực này đã được nâng cao, các biện pháp mà các cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương thực hiện đã có hiệu quả tích cực, nhưng cũng cho thấy hoạt động đăng ký trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, trong khi hiệu quả trong hoạt động kinh doanh sau khi đăng ký vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội khuyến khích các chủ thể sáng tạo và đăng ký bảo hộ nhiều hơn, đi liền với những thách thức đối với hoạt động bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ.

Thực trạng đăng ký sở hữu trí tuệ trên địa bàn Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên 54.637 km2, trong đó có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm 850,1 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và gần 1,151 triệu ha đất trồng cây lâu năm. Đây là vùng đất có những sản phẩm chủ lực của quốc gia, có nhu cầu thị trường cao, đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm như cà phê, cao su, hạt tiêu, rau quả, hoa… 

tai san tt

 

Qua những số liệu trên cho thấy, số lượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên đã tăng lên khá nhanh. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của khu vực Tây Nguyên nói riêng hiểu và mong muốn muốn sử dụng lợi thế của SHTT để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp, nhằm nắm được lợi thế xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, hạn chế những rắc rối, tranh cãi, khiếu kiện có thể gặp phải trên thương trường, thậm chí bị giảm doanh thu và lợi nhuận trong suốt thời hạn bảo hộ. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng, tài sản trí tuệ có thể sinh lợi thông qua việc mua, bán, trao đổi, nhượng quyền, góp vốn kinh doanh; cho thuê; tạo thế cạnh tranh…

Nhìn chung, sau khi được cấp giấy chứng nhận về SHTT, các sản phẩm đã tạo được sự chú ý nhất định đối với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được kênh phân phối rộng khắp và hiệu quả, có mặt tại các siêu thị và chuỗi cung ứng sản phẩm uy tín trên cả nước, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực và từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Thực tế này cũng phần nào cho thấy môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta, trong đó có sự đóng góp của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã cải thiện và mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cả doanh nghiệp.

Hơn nữa, phải kể tới một số biện pháp mà chính quyền địa phương đã áp dụng cũng phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, dưới sự tham mưu của các Sở, UBND một số tỉnh đã đề ra chương trình và biện pháp hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cấp giấy chứng nhận bảo hộ, trong đó có hình thức hỗ trợ từ 50%-100% lệ phí đăng ký ban đầu… Các sở, ban, ngành cũng tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn dưới nhiều hình thức như tập huấn, tư vấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn để giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ hơn về quyền và lợi ích của việc bảo hộ SHTT.

Ngoài ra, phải kể tới hoạt động nghiên cứu, đánh giá và hỗ trợ một số sản phẩm mà các sở phối hợp với các doanh nghiệp hoặc tổ chức trong và ngoài nước thực hiện. Một số chương trình và hoạt động phối hợp đã mang lại hiệu quả rõ ràng và lâu dài, điển hình như: chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu Bơ Đăk Lăk do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk phối hợp với GTZ (CHLB Đức) và một số đơn vị thực hiện; Dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Đắk Lắk giai đoạn 2009-2013 do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng kinh phí 8,53 triệu USD cho 3 sản phẩm là liên minh sản xuất cà phê bền vững, bơ sáp và lợn rừng; Chương trình xây dựng thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành cho một số thương hiệu nông sản với giá trị đầu tư 500.000 USD; Đề án phát triển nông nghiệp đa ngành, cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp do tỉnh Lâm Đồng hợp tác với tổ chức JICA và Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam thực hiện…

Tuy vậy, phần quan trọng nhất, phải kể tới những nỗ lực của chính các chủ thể quyền SHTT. Không chỉ dần hiểu rõ tầm quan trọng của việc xác lập quyền SHTT chủ động thực hiện đăng ký quyền SHTT, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cũng nỗ lực nghiên cứu, phát triển, quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm và dịch vụ của mình, nỗ lực phát triển và hợp tác phát triển với những đối tượng có nhu cầu khai thác, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm…

Mặc dù số lượng đăng ký quyền SHTT gia tăng trong những năm qua, nhưng nhìn chung tỷ lệ các doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký bảo hộ các quyền về SHTT vẫn còn ở mức khá cao. Xét về tỷ lệ tương đối, số đơn và số bằng đăng ký quyền SHTT trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Tây Nguyên vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả nước.

Điều này bắt nguồn từ việc phần lớn doanh nghiệp chỉ ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát, quản trị kiểu gia đình, chưa có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, nguồn lực kinh phí và nhân lực hạn chế, đặc biệt là nguồn lực dành cho phát triển thương hiệu và khai thác tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp còn hạn hẹp. Rất ít doanh nghiệp có phòng hoặc bộ phận cán bộ chuyên trách quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp mình, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động trong kế hoạch và thực hiện đào tạo nhân lực cho hoạt động này.

Hơn nữa, một nguyên nhân quan trọng khác là người chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của đăng ký quyền SHTT. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa lường hết những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp mình có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh khi không đăng ký quyền sở hữu, cũng như chưa hiểu rõ những quyền lợi mà doanh nghiệp mình sẽ được hưởng khi quyền bảo hộ nhãn hiệu được công nhận. Một số nhãn hiệu đăng ký bảo hộ chỉ có ý nghĩa góp phần bảo vệ danh tiếng sản phẩm đã tạo dựng tránh tình trạng lạm dụng và giả mạo sản phẩm trên thị trường, hoặc chỉ nhằm để phân biệt với nhãn hiệu khác trên địa bàn tỉnh.

Một số chủ doanh nghiệp nhỏ còn cho rằng, lệ phí đăng ký SHTT vẫn còn cao như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì từ 1 đến 3 triệu đồng; đăng ký bảo hộ sáng chế và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ từ 20 đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, khoảng thời gian để được cấp văn bằng SHTT lại khá lâu, thường là từ 1 đến 3 năm.

Song song đó, để viết bản mô tả sáng chế cực kỳ phức tạp, nhiều tác giả mất rất nhiều thời gian làm đi làm lại mới hoàn thiện được hồ sơ. Mặt khác, nhiều sản phẩm của các cơ sở, đơn vị đã được bảo hộ vẫn bị làm giả, làm nhái nhưng chưa được xử lý chưa triệt để, hoặc có thì chế tài xử phạt lại không đủ mạnh để răn đe bởi mức phạt rất thấp so với thực tế lợi nhuận từ việc làm hàng giả mang lại.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký quyền SHTT cũng chưa có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện thông qua giải pháp công nghệ và tiếp thị bài bản nhằm khẳng định sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại. Chưa kể doanh nghiệp sử dụng logo, bao bì nhãn hiệu nhưng không tạo được sự khác biệt của hàng hóa bên trong, từ đó tạo tâm lý đánh đồng chất lượng giữa sản phẩm mang nhãn hiệu và sản phẩm không mang nhãn hiệu.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tìm "đầu ra” cho sản phẩm đã có thương hiệu vẫn là một thách thức lớn. Công tác truyền thông quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư nhiều. Chính vì thế, nhiều sản phẩm đặc sản đã được đầu tư bài bản, từ việc chọn giống, canh tác, thu hoạch đến việc đăng ký, khai thác, phát triển giá trị quyền SHTT đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại nhưng vẫn khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài. Hơn nữa, chưa có nhiều doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược hay kế hoạch kinh doanh trong đó sử dụng các tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… làm đòn bẩy để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.

Ngoài ra, không chỉ cá nhân, doanh nghiệp mù mờ, thiếu quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu mà ngay cả địa phương cũng đang bỏ quên và lãng phí chính những đặc sản vùng. Mặc dù nhận thức rõ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản trên cơ sở Luật SHTT là biện pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho nông sản của mỗi tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước trong tương lai, nhưng nhiều địa phương đang có thế mạnh về các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương vẫn chưa đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Cơ hội và thách thức đối với bảo tồn, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Tây Nguyên

Trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế toàn cầu ở vào giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế tri thức, các thành quả sáng tạo - đối tượng bảo hộ của quyền SHTT - ngày nay được các nhà kinh tế học hiện đại coi là động lực cơ bản để phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chứ không phải là những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vốn và lao động như trước kia. Do đó, bằng cách đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng nhằm tồn tại và kinh doanh hiệu quả trong môi trường cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nào biết sử dụng lợi thế của SHTT để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sự phát triển của doanh nghiệp đó được bảo đảm.

Hơn nữa, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các FTA thế hệ mới đang ngày càng được ký kết và triển khai nhiều trên thế giới và Việt Nam, và SHTT trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các Hiệp định này. Khác với các FTA trước đây chủ yếu ảnh hưởng tới chính sách thuế quan tại biên giới, các FTA thế hệ mới có nhiều cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa. Điều này đòi hỏi Việt Nam có những thích ứng mạnh mẽ cả về chính sách bảo hộ, thực thi quyền đối với quyền SHTT được tốt hơn, đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của doanh nghiệp và người dân về SHTT để tuân thủ quy định của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi của đơn vị mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên, số cán bộ phụ trách vấn đề SHTT còn ít và còn kiêm nhiệm một số lĩnh vực khác, trong khi các ngành khác như quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát kinh tế chủ yếu là kiêm nhiệm nên trình độ chuyên môn, kỹ thuật để nhận biết, kinh nghiệm… chưa đảm bảo để phục vụ phối hợp quản lý, dẫn đến còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và hỗ trợ bảo hộ cũng như phối hợp thực thi giải quyết khiếu nại về xâm phạm quyền SHTT[14]. Đồng thời, nhận thức của một bộ phận người dân địa phương hiện nay về lĩnh vực SHTT còn hạn chế, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển nhãn hiệu. Trong khi đó, kỹ năng kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm của nhiều người sản xuất tại địa phương chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến vấn đề bản quyền.

Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội cho các sản phẩm có thể tiếp cận với thị trường quốc tế thuận lợi hơn, đồng thời khuyến khích các chủ thể sáng tạo và đăng ký bảo hộ nhiều hơn, là bàn đạp rất tốt để các doanh nghiệp giải phóng sức sáng tạo trong kinh doanh và giúp Việt Nam sớm hình thành một đội ngũ doanh nhân mới. Tuy nhiên, các hiệp định này cũng mở ra cơ hội cho làn sóng sản phẩm ngoại thâm nhập vào thị trường trong nước, buộc các chủ thể phải cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm này. Trong khi đó, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay hoạt động vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết đều thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức điều hành, quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường, sản phẩm đơn điệu, trùng lắp. Vì vậy, năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu hết sức hạn chế. Đây là điểm yếu, là nguy cơ dẫn đến hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, dễ bị phá sản, giải thể khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế trong khu vực và thế giới, khiến các doanh nghiệp trong nước không thể tiếp tục trông cậy vào lợi thế sân nhà nữa.

Tiêu chuẩn cao của hệ thống bảo hộ của SHTT trong bối cảnh mới cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu và dành nhiều chi phí hơn cho lĩnh vực bảo hộ SHTT để tránh bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những người khác và bị thiệt hại. Với khả năng tài chính hạn hẹp, qui mô nhỏ và rất nhỏ là chủ yếu, các doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đứng trước nhiều thách thức trong quá trình cạnh tranh để tồn tại và phát triển. 

Ngoài ra, quá trình hội nhập kinh tế cũng khiến thực tế các loại hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT được sản xuất ở nước ngoài có thêm cơ hội được đưa vào Việt Nam theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ, trong khi vẫn còn thiếu các biện pháp giải quyết triệt để. Mặc dù có sự can thiệp của lực lượng chức năng khi áp dụng biện pháp hành chính nhưng xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam nhìn chung và tại các tỉnh Tây Nguyên nói riêng chưa có tính răn đe cao do các chế tài xử phạt còn nhẹ, trong nhiều trường hợp số tiền phạt thấp hơn nhiều so với những lợi ích thu được từ hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Trong những năm gần đây, thực tế đăng ký SHTT của các chủ thể trên địa bàn Tây Nguyên đã tăng lên đáng kể, mang lại những kết quả đáng khích lệ đối với các chủ thể và địa phương. Điều này bắt nguồn từ những điều chỉnh trong các chính sách, sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước và địa phương, và đặc biệt là từ nhận thức được nâng cao của các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, thực trạng đăng ký SHTT tại địa bàn Tây Nguyên vẫn còn không ít hạn chế, điều này một phần bắt nguồn từ năng lực của các chủ doanh nghiệp và người sản xuất, nhưng cũng có những nguyên nhân đến từ thực tiễn thực hiện bảo vệ và khai thác đối với các sản phẩm đã đăng ký SHTT chưa mang lại hiệu quả cao, trong khi thủ tục còn phức tạp và chi phí cũng khá cao.

Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, cùng với xu thế phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ đăng đặt ra nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với hoạt động bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ. Bản thân người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại các địa phương cũng đã nhận thức rõ ràng hơn rằng thực thi quyền SHTT hiện nay không chỉ xuất phát từ sức ép bên ngoài do hội nhập kinh tế quốc tế, mà đang dần dần trở thành nhu cầu tự thân, nội tại của các tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ thành quả sáng tạo, thành quả đầu tư của mình để có thể cạnh tranh và phát triển trên thị trường.

TS. Đinh Mạnh Tuấn và NCS. Trần Thị Hải Yến, Viện Nghiên cứu châu Âu

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.