Thực phẩm chức năng 'bổ phổi' loạn chợ mạng: Lời khuyên nào dành cho người tiêu dùng?
Lo sợ Covid-19 làm tổn thương phổi, cùng các triệu chứng khó thở, hụt hơi, ho kéo dài, nhiều người tìm mua các loại thuốc, vitamin được quảng cáo có tác dụng "bổ phổi" qua mạng xã hội.
Không khó để tìm mua các thực phẩm chức năng này, chỉ cần gõ từ khóa "thuốc bổ phổi" trên thanh tìm kiếm của Google hay ứng dụng mạng xã hội, chợ thương mại điện tử, người dân có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Hầu hết được quảng cáo dành cho người muốn hồi phục, giải độc phổi sau khi khỏi Covid-19.
Đa phần người bán thực phẩm chức năng trên các chợ “ảo” đều không có bằng cấp y khoa. Họ coi đây như một mặt hàng “hot” nên nhập về để bán kèm với các mặt hàng khác như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Tuy nhiên, rất khó để quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng khi các loại này đang được bán tràn lan trên chợ “ảo”. Người tiêu dùng mua và sử dụng theo lời “rỉ tai” của người quen hoặc nghe theo lời quảng cáo của người bán dù không biết rõ về mức độ tin cậy của sản phẩm.
Bác sĩ Trần Công Bình, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Nếu sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho có đờm, mất ngủ, khó thở, cơ thể mệt mỏi thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân không nên tự mua và dùng thuốc vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Không ít trường hợp bị tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường, tới khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn”.
Trong quá trình tư vấn điều trị F0 tại nhà, thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện cũng cho biết, rất nhiều bệnh nhân hỏi về các loại thuốc bổ giúp phục hồi phổi sau khi khỏi Covid-19.
Theo bác sĩ Dương Văn Trung, thuốc bổ là các loại có thành phần vitamin, chất khoáng, axit amin... Các thuốc này có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể.
"Cách phục hồi phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất. Các bài tập tôi thường khuyên bệnh nhân thực hiện là thở ngực, thở bụng...
Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thực tế, không có thuốc nào là bổ phổi hậu Covid-19. Người dân nên cẩn trọng, tránh tiền mất tật mang", TS Dương Văn Trung nói.
Ông nhấn mạnh thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi". Người dân bổ sung dư thừa, không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Nếu sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài, tức ngực, mất ngủ, khó thở, suy nhược thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.
Minh Hà
TIN LIÊN QUAN
-
Bài 2 - Sản phẩm Rexona Shower Clean: Bị khách hàng tố phải nhập viện sau khi sử dụng và phản hồi từ nhà phân phối
-
Từ vắc xin nội được kỳ vọng nhất, Nanocovax hiện giờ ra sao?
-
Ứng dụng nền tảng số: Giải pháp giúp nông sản Việt phát triển
-
Hoạt động sở hữu trí tuệ tại nhiều địa phương còn mờ nhạt: Nguyên nhân do đâu?