SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Thực hư thông tin bệnh nhân bị hoại tử xương sau khi mắc Covid-19

13:50, 14/07/2022
(SHTT) - Những tháng gần đây, một số bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm bất thường, các bệnh nhân đều có điểm chung là từng mắc Covid-19. Tuy nhiên việc khẳng định các bệnh nhân mắc viêm tủy xương liên quan tới Covid-19 là chưa xác đáng.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết trong thời gian qua, cơ sở y tế này tiếp nhận 11 trường hợp có các triệu chứng của viêm tủy xương.

“Trước đây, căn bệnh này khá hiếm gặp. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy số lượng bệnh nhân viêm tủy xương xuất hiện nhiều hơn”, bác sĩ Hùng thông tin.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định điều này hoàn toàn không khẳng định người bệnh mắc viêm tủy xương là do mắc Covid-19. Chúng chỉ có thể là yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh.

hoai tu xuong

Bệnh nhân bị hoại tử xương sọ, mặt được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy 

Nói về tình trạng các bệnh nhân, PGS Trần Minh Trường - Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng cho biết thêm: Có những bệnh nhân đã được điều trị trước bằng phẫu thuật và kháng sinh ở bệnh viện khác. Các bệnh nhân nhìn bình thường nhưng xương bên trong mặt hoại tử hết và tử vong nhanh.

Biểu hiện đầu tiên là các ca bệnh đau rất nhiều ở vùng đầu, mặt, răng, khẩu cái trong giai đoạn bị nhiễm COVID-19 và tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm; đi khám được chẩn đoán viêm xoang.

Các biểu hiện lâm sàng khi khám bệnh là sưng viêm mi mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái (khó nhai), hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ. Những bệnh này cần can thiệp nhiều chuyên khoa, đặc biệt phẫu thuật thần kinh và hồi sức.

Hiện tại chưa có khuyến cáo của Bộ Y tế về phác đồ điều trị các ca bệnh này. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho bệnh nhân bằng cách phẫu thuật lấy hết xương viêm, hoại tử tối đa, sau đó sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, chụp CT-Scanner những trường hợp gợi ý.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (tại TP.HCM) - cho biết trước dịch COVID-19, bệnh viện có tiếp nhận một số bệnh nhân hoại tử xương hàm dưới, tuy nhiên số lượng không nhiều. Nguyên nhân là do bệnh nhân sau xạ trị ung thư, dùng thuốc điều trị loãng xương, xương hàm dưới ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Hoại tử xương hàm trên cũng rất ít, khoảng 2 - 3 tháng mới có 1 ca, thường liên quan đến đái tháo đường.

Tuy nhiên, theo thống kê của bệnh viện từ tháng 2/2022 đến nay, số bệnh nhân đi khám hoại tử xương hàm trên cũng tăng đột biến, không rõ nguyên nhân. Bệnh viện tiếp nhận 16 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy để hội chẩn, điều trị.

Đặc điểm chung của 16 bệnh nhân này là đều mắc COVID-19 trước đó, thời gian khởi phát từ 1 - 3 tháng sau mắc, đa số đều có bệnh nền là đái tháo đường. Triệu chứng thường gặp nhất là lung lay răng và xương hàm trên (cả khối), có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vòm miệng), có những vết loét và lộ xương hàm trên. Kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ mức độ lan rộng của xương hoại tử.

Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy hết xương hoại tử tới vị trí chảy máu thì ngừng lại. Sử dụng kháng sinh và theo dõi từ 3 - 4 tháng xem bệnh có tái phát hay không. Nếu bệnh nhân ổn định thì có thể phục hình lại hàm.

Bác sĩ Tuấn cho biết hiện căn bệnh này chưa rõ nguyên nhân, nhưng theo y văn thế giới có 4 yếu tố nguy cơ bị hoại tử hàm trên sau khi mắc COVID-19: do COVID-19 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương hàm trên và gây tăng đông, giảm máu nuôi dưỡng xương, sử dụng thuốc corticosteroid trong phác đồ điều trị COVID-19; bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường...

Ông Tuấn khuyến cáo người bệnh sau khi nhiễm COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường có các biểu hiện: răng lung lay cả hàm, chảy mủ... cần nhập viện để kiểm tra và điều trị sớm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho rằng trường hợp bệnh nhân được mô tả trên là tình trạng nhiễm nấm cơ hội. Vấn đề nguyên nhân có phải do COVID-19 hay không, cho đến nay trên thế giới cũng chưa nghiên cứu được đầy đủ, vì vậy tất cả hiện đang là giả thiết.

Bởi về lý thuyết thì COVID-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng thì giai đoạn sau COVID-19 có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn.

Bác sĩ Cấp giải thích rằng các vấn đề sức khỏe gặp phải sau khi mắc COVID-19 rất đa dạng, nhiều bệnh lý còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên cơ chế bệnh sinh của chúng đa số mới chỉ là những giả thiết khoa học.

"Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc nhiễm COVID-19 với những bệnh lý này. Việc cần làm là không nên để nhiễm bệnh, dù là bệnh nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Cấp cho biết.

Thanh Hà

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
Lễ công bố quyết định của HĐND tỉnh Quảng Bình về gắn tên đường Lưu Trọng Lư vừa được tổ chức tại thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão và thị trấn Phong Nha.
Tin tức 1 giờ trước
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tuần tra phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển ven bờ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tin tức 1 giờ trước
Để chuẩn bị cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn, TP Đà Nẵng đang tập trung vào công tác đào tạo nhân lực nguồn. Chương trình chính thức khởi động trong tháng 3 với chuỗi sự kiện bắt đầu cho chặng đường phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Thời gian qua các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên điều trị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh, những người làm nội dung thông tin trên môi trường mạng cần có trách nhiệm hơn.