Thực hiện quy tắc ứng xử ở Hà Nội hiện nay: Thành tựu, hạn chế và giải pháp
Trong nỗ lực kiến tạo một cộng đồng văn minh, đáng sống, xứng tầm là trung tâm kinh tế – chính trị lớn nhất cả nước, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chúc, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hơn 6 năm triển khai, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương sáng tạo ra các mô hình hay, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn với nhiều hình thức phong phú, đã dần hình thành nếp văn hóa mới trong trong cán bộ, công chức, người lao động cũng như các cộng đồng dân cư.
1. Kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội
Xác định văn hóa ứng xử là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa người Tràng An, nhiều năm qua, Hà Nội đã quyết liệt triển khai, lan tỏa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố vào thực tiễn. Quy tắc ứng xử đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ; có phong cách ứng xử văn minh; xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ.
100% cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan gắn với nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử; Đề án văn hóa công vụ và Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.
Các cơ quan thuộc Thành phố đã đưa kết quả việc thực hiện Quy tắc vào tiêu chí đánh giá, bình xét cán bộ hàng tháng, hàng năm theo Quyết định số 1841-QĐ/TU ngày 28/10/2021 của Thành ủy Hà Nội; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nắm chắc nội dung quy tắc để nghiêm túc thực hiện, góp phần tạo sự đột phá về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng chống các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Các cơ quan, đơn vị triển khai và nhân rộng các mô hình: Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”. Thực hiện quy tắc ứng xử gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội; Kế hoạch triển khai thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14/8/2023 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
2. Kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Sau 6 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa cách làm này, nhằm nâng cao hơn nữa việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 7 mô hình tiêu biểu: (1) Mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; (2) Mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; (3) Mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; (4) Mô hình đoàn xe tuyên truyền lưu động về ứng xử văn hóa, vệ sinh môi trường, chấp hành giao thông; (5) Mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; (6) Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh - sạch - đẹp; (7) Mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện. Các mô hình trên đạt được nhiều kết quả như:
Đoàn Thanh niên Thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay về Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Thực hiện tuyên truyền quy tắc ứng xử qua Facebook người nổi tiếng và bằng những bài hát rap phù hợp với giới trẻ, ra mắt 04 đội hình đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; Đội hình phân loại rác thải nhựa tái chế; Đội hình vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt và đội hình tình nguyện viên bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Duy trì các hoạt động vào thứ 7, Chủ nhật hằng tuần hay bất kể khi nào cần, các đội sẽ ra quân thực hiện vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép; trồng, chăm sóc cây xanh, thảm hoa, bồn hoa tại khu vực minh sinh sống; bảo vệ trật tự và văn minh đô thị; Tổ chức cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong thiếu nhi Thủ đô”. Trên tinh thần nói không với tính hình thức, sau thời gian bền bỉ triển khai các hoạt động, nhiều con đường, ngõ xóm của Thủ đô như được “khoác áo mới”. Sự nỗ lực của lớp trẻ Hà Nội trong giữ gìn vệ sinh chung, người dân đã có ý thức hơn trong bảo vệ cảnh quan môi trường.
Trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố tổ chức 385 buổi tuyên truyền đến 31.720 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; 09 buổi tập huấn cho gần 1000 hội viên, phụ nữ; 345 hội nghị với trên 34.500 cán bộ, hội viên tuyên truyền, phát trên 30.000 tờ rơi tuyên truyền về Quy tắc ứng xử; Hội nghị tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”; “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”; “Chợ văn minh an toàn hiệu quả” trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; Ra mắt 03 mô hình điểm tại huyện Gia Lâm, quận Ba Đình và quận Đống Đa. Đến nay, đã ra mắt 47 mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”; 30 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”; 20 mô hình “Chợ văn minh an toàn hiệu quả” trên địa bàn Thành phố. Tổ chức chương trinh đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” đến 1000 đại biểu từ các địa phương, đơn vị; đồng diễn Dân vũ và giao lưu câu lạc bộ Dân vũ, Festival áo dài…đã khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của phụ nữ các lĩnh vực, thực hiện tốt phong trào thi đua cán bộ, công chức người lao động thực hiện quy tăc ứng xử công cộng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các quận, huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần làm đẹp môi trường văn hóa. Nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo, góp phần lan tỏa ở từng xóm, ngõ, tổ dân phố và trong mỗi hộ gia đình. Các mô hình điểm đó là: Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình ( Chung cư 88 Láng Hạ - quận Đông Đa, Chung cư Gamuda - quận Hoàng Mai); mô hình nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ (quận Hoàn Kiếm); mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện (tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long); mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường (quận Đống Đa); mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp (thôn Thu Quế, xã Song Phượng – huyện Đan Phượng); mô hình di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn (Di tích đền bà Tấm – huyện Gia Lâm, Di tích thành cổ Loa – huyện Đông Anh); mô hình làng văn hóa tiêu biểu (Làng văn hóa thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng – huyện Thanh Oai); mô hình thôn, phố không tệ nạn xã hội.
Có thể thấy, quy tắc ứng xử nơi công cộng đã định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn, qua đó góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Tình trạng xả rác thải bừa bãi tại các vườn hoa, công viên đã giảm đáng kể; hiện tượng cãi chửi nhau với khách hàng tại các chợ dân sinh hầu như không còn; trên phương tiện công cộng, người già và trẻ nhỏ được nhường chỗ; các khu vực cung cấp dịch vụ công cộng, người ta đã kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt…
3. Một số đánh giá chung
Có thể thấy rằng, việc triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố tới cơ sở tập trung quán triệt, tuyên truyền, chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Việc triển khai rộng khắp hai bộ Quy tắc ứng xử gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang lại những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.
Công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, thời điểm, đặc biệt đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết 02 Quy tắc ứng xử tại cơ quan đảm bảo dễ thấy (khu vực công, sảnh, hành lang, các phòng làm việc, tại bộ phận Một cửa, tại các khu công cộng như: di tích lịch sử văn hóa, Nhà văn hóa thôn/tố dân phố…). Ngoài ra, các đơn vị tổ chức việc tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh phường/xã/thị trấn; tuyên truyền trên Bản tin nội bộ, cổng Thông tin điện tử; tuyên truyền lồng ghép qua hoạt động hội họp, hội thi, hội diễn, liên hoan,…Việc xây dựng mô hình tuyên truyền các Quy tắc ứng xử được quan tâm triển khai thực hiện và nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Ngoài các mô hình được triển khai theo hướng dẫn của Thành phố, một số đơn vị có nhiều sáng tạo, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiêu biểu: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được các đơn vị quan tâm, chủ động thực hiện thường xuyên và định kỳ, gắn với kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng tháng đúng quy trình. Bên cạnh đó, các đơn vị chỉ đạo, giao trách nhiệm cho lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện những nội dung đã cam kết.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã chú trọng biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt 02 bộ Quy tắc ứng xử gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, phong trào Người tốt – việc tốt, việc đánh giá cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng tháng, năm.
Một số tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những chuyển biến tích cực làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người dân Thủ đô, việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Công tác tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính thường xuyên được quán triệt và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tuy nhiên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng nhân dân, tổ chức phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
- Công tác tuyên truyền được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, liên tục, chưa phân loại được các đối tượng để tuyên truyền. Bên cạnh các đơn vị triển khai hiệu quả các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử còn có những đon vị chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai nghiêm túc các mô hình tuyên truyền hai bộ Quy tắc ứng xử.
- Quy tắc ứng xử nơi công cộng tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hiện tượng đổ rác ra đường không đúng giờ, đúng nơi quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, sử dụng không gian, công trình công cộng vào mục đích cá nhân…
- Đối với quy tắc úng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố vẫn còn tình trạng đi muộn về sớm, hút thuốc lá nơi công cộng; làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong cuộc họp;…
4. Đề xuất một số giải pháp
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc triển hai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chúc, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nội dung Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; Xây dựng kế hoạch hằng năm cụ thể hoá nội dung Kế hoạch số 305/KH- UBND ngày 27/12/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức nhằm đạt hiệu quả tuyên truyên cao nhất và phù hợp nhất với từng nội dung, đối tượng cụ thể như: Phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, Thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền; tôn vinh những gương điên hình tiêu biểu trong quá trình tổ chức thực hiện tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục duy trì các loại hình tuyên truyền truyền thống như: tuyên truyền trực quan bằng pano, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền lưu động ở các quận, huyện, thị xã; tổ chức các hội nghị toạ đàm, hội thảo, hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tuyên truyền trong các cơ quan thuộc Thành phố…
Ba là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở và nhân dân trên địa bàn nghiêm túc tổ chức thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử gắn với các phong trào của địa phương, đơn vị. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội và các phong trào khác của địa phương, đơn vị. Lồng ghép nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử vào nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; sửa đổi quy ước, hương ước có bổ sung các nội dung quy tắc ứng xử.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Quy tắc ứng xử trong các đơn vị. Quy định rõ trách nhiệm và có biện pháp kiên quyết xử lý các công chức, viên chức, người lao động vi phạm các quy định của Quy tắc ứng xử.
Năm là, tiếp tục phát hiện và viết về các gương điên hình tiên tiến trong việc triển khai và thực hiện các quy tắc ứng xử Thành phố. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng có nội dung thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố. Biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt các quy tắc ứng xử gắn với thực hiện Đề án Văn hóa công vụ và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”./.
ThS. Sền Thị Hiền
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Nhà báo Phạm Văn Tài
Tài liệu tham khảo:
1. Thành ủy Hà Nội (2021), Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
2. UBND thành phố Hà Nội (2021), Kế hoạch số 305/KH- UBND ngày 27/12/2021 về thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
3. UBND thành phố Hà Nội (2021), Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 27/12/2021 về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
4. Sở Văn hóa và Thể thao (2023), Báo cáo số 06/BC-SVHTT ngày 18/01/2024 về Kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chúc, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
5. Minh Anh (2023), Định hình chuẩn mực văn hóa ứng xử người Hà Nội, https://thanglong.chinhphu.vn/dinh-hinh-chuan-muc-van-hoa-ung-xu-nguoi-ha-noi