Thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp
Tọa đàm là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà kinh doanh cùng chia sẻ những nội dung, trao đổi những vấn đề về mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu được tạo ra gắn với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, trước hết các bên cần xem xét kỹ loại hình hợp đồng, thỏa thuận một số nội dung như: Hợp tác nghiên cứu triển khai như thế nào? liên doanh với đơn vị nào, nhượng quyền cho ai?
Trong đó, các bên cần phải xem xét đến một số vấn đề về: Quyền sở hữu trí tuệ có được trước hợp tác; quyền sở hữu trí tuệ có được theo thỏa thuận hợp tác; quyền sở hữu trí tuệ phát sinh ngoài khuôn khổ hợp tác; cách hiểu các thuật ngữ; quy định pháp luật, quy chế quản lý phải áp dụng; cần có đủ thông tin và kỹ năng phân tích, đánh giá các loại quyền này để bộc lộ đúng thời điểm.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh cũng đề xuất những việc làm để tránh rủi ro khi hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Đó là, các bên cần trang bị kiến thức cơ bản và tìm đến tư vấn chuyên nghiệp; thỏa thuận bảo mật (trước, trong và sau hợp tác). Xác định đúng và đủ quyền sở hữu trí tuệ có trước của các bên: Cơ chế, điều kiện các bên tiếp cận và sử dụng.
Các bên cũng cần xác định mục tiêu đạt được của sự hợp tác, quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra từ việc hợp tác: Quyền và nghĩa vụ của các bên (thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền sở hữu trí tuệ); quyền sở hữu trí tuệ có thể phát sinh ngoài thỏa thuận (trong và sau khi kết thúc hợp tác); xử lý rủi ro, tình huống phát sinh…
Cũng tại tọa đàm, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là bởi hầu hết dừng lại ở kết quả trong phòng thí nghiệm, khó phát triển thị trường các sản phẩm khoa học và công nghệ. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học hay ý tưởng khoa học mang tính đột phá về cơ bản cũng giống như thương mại hóa sản phẩm, nhưng việc thực hiện khó khăn hơn nhiều. Bởi phải xây dựng thị trường cho một sản phẩm mới, chứ không phải là thiết kế một sản phẩm cho phù hợp với một thị trường hiện hữu; mục đích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cũng rất khác nhau....
Thanh Hà