SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thúc đẩy hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Việt Nam và Pháp

17:34, 15/07/2022
(SHTT) - Trong thời gian tới, Việt Nam và Pháp sẽ có những hành động cụ thể để kết nối Thung lũng đổi mới sáng tạo của Pháp với khu công nghệ cao quốc gia, thông qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư công nghệ cao giữa hai nước.

Trong chuyến công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Đại học và nghiên cứu (MESR), thăm và làm việc với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống sáng tạo quốc gia Pháp trong đó có Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia (CNES), Ủy ban quốc gia về năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế tại Grenoble (CEA Grenoble), Thung lũng đổi mới sáng tạo (Inovallée), Tổng Công ty phòng không và vũ trụ của Tập đoàn Airbus.

Nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận tích cực để đi đến thống nhất: Thứ nhất, đồng ý tìm kiếm cơ chế hợp tác phù hợp với bối cảnh mới thông qua việc nâng cấp Hiệp định hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa hai Chính phủ đã ký năm 2007.

Dự thảo Hiệp định mới sẽ tích hợp các cơ chế đảm bảo tính khả thi cho các dự án hợp tác đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học với chất lượng xuất sắc và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; ưu tiên các nội dung hợp tác chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng các doanh nghiệp sáng tạo hai nước.

viet nam

 

Thứ hai, tạo lập thêm kênh kết nối sự lưu chuyển và giao lưu học thuật của các nhà khoa học Việt Nam thông qua việc Việt Nam tham gia trở lại với một trong những chương trình khoa học có uy tín của Pháp là Hubert Curien (Chương trình H).

Thứ ba, mở ra hành lang mới để thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và Pháp thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (SATI) với Ngân hàng đầu tư công quốc gia Pháp (BPI France).

Thứ tư, thống nhất được một số hành động cụ thể trong thời gian tới để kết nối Thung lũng đổi mới sáng tạo của Pháp với khu công nghệ cao quốc gia, thông qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư công nghệ cao giữa hai nước.

Thứ năm, làm rõ nét hơn thực trạng, tiềm năng và một số phương thức cụ thể để đưa hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Việt Nam và Pháp trở nên thực chất hơn trong thời gian tới trên một số lĩnh vực mới như vũ trụ, công nghệ xanh và năng lượng mới, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp.

Không chỉ vậy, trong cuộc Tọa đàm cấp cao về “Vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham gia thảo luận cùng các khách mời là lãnh đạo cấp cao của một số nước thành viên UNESCO, trong đó có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của các nước: Trung Quốc, Cuba, Nam Phi, Nigeria, Honduras và hai nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2012 và 2021. 

Chia sẻ về các bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 dẫn tới sự thay đổi mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải mạnh mẽ đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ, khuyến khích thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận về các chủ đề "Tăng cường khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học cho mục tiêu phát triển bền vững", "Vai trò của khoa học cơ bản trong phát triển xã hội" và "Triển vọng của khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững". 

Các nhà khoa học đề cập tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong việc giải quyết những thách thức trong quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các nhà khoa học khẳng định đóng góp tích cực hơn nữa cho mục tiêu chung là phát triển bền vững. 

Các nhà khoa học cũng cho rằng, để khoa học cơ bản có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần có hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền các nước, sự nỗ lực rất lớn của từng quốc gia cũng như sự hợp tác tích cực và tin cậy giữa các quốc gia. Ngoài ra, cần có các chính sách thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ để có thể tiếp nối và phát huy những thành tựu khoa học đã có nhằm sớm đạt mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững.

Minh Tú

Tin khác

Tin tức 22 phút trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Theo công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vừa có Thư kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.