SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ thông qua cuộc thi sáng chế 2018

10:56, 01/09/2018
(SHTT) - Ngày 31/8, tại khách sạn Viễn Đông (Quận 1, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Định hướng về công nghệ phù hợp và sở hữu trí tuệ”.

Được phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức “Cuộc thi Sáng chế năm 2018” trên phạm vi toàn quốc.

Để giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhà sáng chế hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, điều kiện, thủ tục tham gia cuộc thi Sáng chế và biết khai thác, sử dụng thông tin sáng chế để hoàn thiện/tạo ra giải pháp kỹ thuật dự thi, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo định hướng về công nghệ phù hợp và sở hữu trí tuệ”.

Tham dự hội thảo có ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ; ông Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội sáng chế Việt Nam; ông Trần Giang Khuê - Phụ trách văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ; ông Teamin Eom, Chuyên gia cố vấn, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương WIPO; ông  Junho Shin, Trưởng phòng tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế PCT 1, KIPO.

IMG_8342

 Ông Teamin Eom, Chuyên gia cố vấn, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương WIPO

Mở đầu buổi hội thảo, ông Teamin Eom, Chuyên gia cố vấn, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương WIPO đã giới thiệu về cuộc thi sáng chế 2018. Cuộc thi Sáng chế là sự kiện thường niên do WIPO, KIPO và Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia đang phát triển phối hợp tổ chức. Kể từ năm 2011, đã có 15 cuộc thi được tổ chức ở 12 quốc gia khác nhau, thu hút hơn 1.500 giải pháp dự thi.

Tại Việt Nam, cuộc thi sáng chế được tổ chức đầu tiên vào năm 2013  và  đã  thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều giải pháp có giá trị về kỹ thuật, tính ứng dụng, có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như giải pháp Máy gặt đập lúa của Cty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ) với các tính năng công suất cao, tiết kiệm nhân lực và nhiên liệu, giảm tỉ lệ hao hụt lúa  và có giá rẻ hơn (bằng 50% giá của các loại máy nhập ngoại cùng loại),  đã được bà con nông dân sử dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung.

Năm nay, cuộc thi được tổ chức với mục đích khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ mới, có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm cho phí để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”, Cuộc thi sáng chế 2018 sẽ bắt đầu từ tháng 8.2018 đến tháng 4.2019. Mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam hoặc các tổ chức Việt Nam đầu tư, tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tại Việt Nam sau ngày 31/5/2013 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2013, 2014 đều có quyền đăng ký tham dự cuộc thi. 

IMG_8349

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng, Phòng thông tin, Cục sở hữu trí tuệ 

Để giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhà sáng chế hiểu rõ hơn về công nghệ phù hợp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng, Phòng thông tin, Cục sở hữu trí tuệ đã cung cấp thông tin về thách thức cũng như cơ hội cho việc phát triển và thương mại hóa công nghệ phù hợp đối với Việt Nam. Theo bà Hiền, công nghệ phù hợp là công nghệ hiệu quả nhất với nơi sử dụng công nghệ, thường liên quan đến kỹ năng hoặc nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Công nghệ phù hợp thường có quy mô nhỏ và phi tập trung, thường là quy mô địa phương. Tuy nhiên, những công nghệ này rất tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và chi phí thấp.

Hiện nay, việc phát triển và thương mại hóa công nghiệp phù hợp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và thách thức. Một trong số đó là nhu cầu sáng tạo và quy trình sáng tạo còn tự phát, chưa mang tính hệ thống. Việc nghiên cứu tài liệu, tra cứu thông tin sáng chế có thể bị nhà sáng chế bỏ qua. Chính vì vậy, cần có nhiều khóa đào tạo nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo cho xã hội. Đồng thời, cần phổ biến vấn đề khai thác thông tin sáng chế và kết nối cung cầu công nghệ.

Đặc biệt, nhà sáng chế cần có hiểu biết để bảo hộ pháp lý cho sáng chế của mình. Nhằm làm rõ vấn đề này, ông Junho Shin, Trưởng phòng tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế PCT 1, KIPO đã đem đến cho hội thảo cái nhìn tổng quan về thông tin sáng chế. Cụ thể, ông Junho Shin đã cung cấp thông tin về sáng chế, cách tiếp cận và sử dụng thông tin sáng chế.

Theo ông, bằng sáng chế có vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, “sáng tạo là mẹ của kinh doanh và sở hữu trí tuệ là cha của thịnh vượng”. Nhờ bằng sáng chế, nhà sáng chế sẽ ngăn chặn được sự cạnh tranh từ người khác, tạo nguồn thu và thu hút đầu tư.

IMG_8371

 Ông Junho Shin, Trưởng phòng tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế PCT 1, KIPO 

Hiện nay, các sáng chế xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì vậy, việc sử dụng thông tin sáng chế để phát triển công nghệ phù hợp sẽ góp phần tạo ra nhiều thành công. Để làm được điều đó, cần xác định nhu cầu của địa phương, tra cứu tình trạng kỹ thuật đã biết, sau đó phát triển, phổ biến giáo dục tại địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ phù hợp.

Cũng tại buổi hội thảo, các diễn giả đã tích cực giải đáp những vấn đề liên quan đến Cuộc thi Sáng tạo 2018. Hy vọng rằng, cuộc thi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

1

Ông Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội sáng chế Việt Nam 

IMG_8344

 Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ đang giải đáp thắc mắc của các đại biểu

IMG_8354

 Ông Teamin Eom, Chuyên gia cố vấn, Vụ Châu Á – Thái Bình Dương WIPO

IMG_8351

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu 

Kim Dung

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Vụ kiện bản quyền vaccine COVID-19 của Moderna đối với Pfizer và BioNTech được tạm ngừng sau quyết định của tòa án Massachusetts, khi Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ xem xét hiệu lực hai trong ba bằng sáng chế của công ty này.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - USPTO yêu cầu các luật sư khi nộp hồ sơ cần nêu rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong đơn xin cấp bằng sáng chế do lo ngại AI có thể bị lạm dụng trong quá trình tạo ra các phát minh, sáng chế.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Tòa án Illinois quyết định rằng Amazon bị phạt 525 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế lưu trữ đám mây của công ty Kove, làm dấy lên những tranh cãi trong ngành công nghiệp công nghệ.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Một vụ vi phạm bằng sáng chế đã dẫn đến lệnh cấm bán các mẫu Apple Watch Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ. Lệnh cấm này xuất phát từ tranh chấp sáng chế tính năng đo oxy trong máu.