Thừa Thiên Huế: Tận dụng thời điểm ‘vàng’ khởi nghiệp từ vùng đất sáng tạo
Huyện Quảng Điền hiện có nhiều gương mặt thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Trương Thanh Hùng khẳng định đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế đang là một trong số ít địa phương đề ra nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tốt nhất cả nước.
Những gương mặt start-up tiêu biểu của ‘vùng đất sáng tạo’ Quảng Điền
Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra 7 lần, từ năm 2016 đến nay thu nhận được gần 400 ý tưởng, dự án. Chọn được gần 100 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết cuộc thi, trên 50 ý tưởng phát triển kinh doanh. Cuộc thi góp phần tăng số lượng doanh nghiệp, kết nối, tìm và lựa chọn những điển hình để thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.
Quảng Điền là vùng đồng bằng ven biển giàu có sản vật, đầm phá rộng lớn và trữ tình ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, địa phương này cũng là vùng “rốn lũ”. Vào mùa mưa, hoa màu chắt chiu trên đồng trũng gặp lũ lụt lắm khi mất trắng.
Chàng trai Ngô Minh Hiếu (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) khi còn là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế sớm đi làm thêm. Tại các nhà hàng, Hiếu nhận ra món đậu phộng là món khai vị ưa chuộng nhưng đóng gói sơ sài, chất lượng hương vị không đồng đều, đôi khi ỉu xìu, mốc.
Quan sát, lắng nghe, Hiếu phát hiện “nỗi đau khách hàng” với mong muốn “chuẩn hóa” chất lượng món khai vị. Từ chính những lời khen chê trong quán nhậu, Hiếu bắt đầu suy tư về hạt đậu phộng. Có dịp thực tập sang châu Âu, Hiếu tìm tòi, học hỏi áp dụng công nghệ tiên tiến. Trở về, Hiếu gom ít tiền, mày mò tìm thợ cơ khí chế máy rang đậu cho vừa ý để khởi nghiệp.
Xưởng sản xuất được Hiếu cải tạo từ nhà kho nhỏ. Đậu phộng, ớt, tỏi được trồng, chế biến từ vùng đất trũng khát vọng trở thành sản phẩm “đậu phộng rang ớt tỏi - món khai vị quốc dân”. Hệ thống rang tẩm tự chế nên hạt đậu không tróc vỏ, giữ hương vị đậm đà. Sản phẩm nhanh chóng định vị thương hiệu, có mặt tại hơn 200 nhà hàng trên cả nước, thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm.
Dự án của Hiếu đạt giải Nhất Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, giải Ba Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2022. Hiếu vui mừng: “Hiện cơ sở đang nhận đơn đặt hàng của công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM, có nhiều cơ hội xuất khẩu đi xa hơn”.
Qua các cuộc thi, chúng ta có cơ hội tìm kiếm khách hàng theo kênh của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, kết nối với cộng đồng khởi nghiệp. Khởi nghiệp thành công, năng lực bản thân được cải thiện”.
Từ một sinh viên cao đẳng y tế, bà Trần Thị Ngọ loay hoay suốt 5 năm với việc tìm một vị trí việc làm trong Nhà nước để trở thành cán bộ.
“3 lần thi rớt công chức khiến tôi cảm thấy gian nan mà may mắn vẫn chưa mỉm cười. Tôi vừa miệt mài làm nghệ thuật vừa bán online kiếm sống. Thế rồi tôi quyết định mở cơ sở sản xuất tinh dầu dừa Đoan Ngọ”, bà Ngọ nhớ lại.
Tháng 3/2019, Đoan Ngọ tham dự triển lãm sản phẩm dầu dừa trong ngày hội Phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp tại công viên Tứ Tượng, TP Huế. Đoan Ngọ bén duyên để được các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm, hướng dẫn bảo hộ thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ dầu dừa handmade bán online kiếm sống, Đoan Ngọ từng bước trở thành sản phẩm sáng tạo theo công thức riêng, dùng để chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ. Nhiều sản phẩm của Đoan Ngọ cũng được bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Đoan Ngọ đánh dấu tên trên bản đồ khởi nghiệp Huế trong lĩnh vực làm đẹp. Thấy chưa "đã", bà Ngọ tiếp tục vạch ra ý tưởng khởi nghiệp Yến sào Đoan Ngọ.
“Khởi nghiệp tay ngang, tôi gặp nhiều khó khăn về kiến thức và vốn. Nhưng tôi muốn tạo ra sản phẩm cao cấp chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe có thương hiệu để người dân quê, người nghèo cũng có thể sử dụng theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại”, bà Ngọ chia sẻ.
Hiện Đoan ngọ đang phát triển dòng sản phẩm Yến sào Đoan ngọ theo hướng chăm sóc sức khỏe sau Covid-19 từ thiên nhiên ở mọi lứa tuổi. Sản phẩm giúp bà đạt Quán quân đầu tiên của Thanh niên khởi nghiệp 2021 và giải Nhất tại Trung ương trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Thương hiệu được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng xưởng sản xuất riêng và có lượng khách hàng ổn định.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Khoa học và Công nghệ mở nhiều hội thảo, xúc tiến thương mại, triển lãm, kết nối nhiều chuyên gia khởi nghiệp cho tôi mở mang kiến thức. Nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ động viên, khích lệ, hỗ trợ tinh thần mà còn hỗ trợ tiền nữa. Lãnh đạo tỉnh kề vai sát cánh thông qua các đề án, chính sách dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Ngọ cảm kích.
"Tiếp lửa" khởi nghiệp trên vùng đất sáng tạo
Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Quảng Điền gặp lại nhiều gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu Huế, như: Ông Ngô Hợp với cơ sở sản xuất mỳ lát bánh khô Hồng Loan tại Quảng Thành, Ngô Minh Hiếu với Đậu phộng tỏi ớt xã Quảng Phú, Nguyễn Minh An cán bộ công chức phòng Nội vụ với sáng kiến đổi mới công tác tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4,…
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thiết thực, nhìn chung năng lực tổ chức kinh doanh, tính linh hoạt, khả năng sáng tạo trong sản xuất của các start-up còn chưa phát huy hết năng lực để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn. Việc nắm bắt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo của các start-up còn nhiều hạn chế.
Tại Diễn đàn, nhiều câu hỏi liên quan đến cấp phép, thủ tục giấy tờ, hỗ trợ cải tiến công nghệ sản xuất của các start-up tiềm năng tại huyện Quảng Điền được gửi đến lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo huyện Quảng Điền và chuyên gia tư vấn khởi nghiệp.
Theo bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, Sở đồng hành với huyện Quảng Điền khởi nghiệp bằng những chính sách cụ thể. Giai đoạn này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Thừa Thiên Huế, đổi mới sáng tạo có những chuyển biến tích cực và lan tỏa rộng trên toàn hệ thống từ năm đầu tiên 2016 thực hiện đề án Quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp đến được với với sinh viên Đại học Huế, Hội phụ nữ tỉnh, thanh niên…
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, khuyến khích Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền trong hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra tinh thần thi đua bằng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện.
“Nếu tổ chức cuộc thi ở cấp huyện, Quảng Điền sẽ là huyện đầu tiên trong 9 huyện, thị xã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Huế hiện diện đầy đủ các thành tố chung tay, hợp lực để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp. Trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sở hữu trí tuệ sản phẩm kinh doanh có giá trị tăng cao.
Trong Diễn đàn, các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều bạn trẻ được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai một số định hướng trong Đề án Cố đô Khởi nghiệp, hướng dẫn tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023.
Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng cho hay: “Trên địa bàn huyện, những kết quả đạt được thời gian qua thúc đẩy thanh niên, toàn thể người dân nói chung thực hiện dự án khởi nghiệp, dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp trong và ngoài huyện. Đây là những dấu ấn trong hành trình đưa Quảng Điền thành “vùng đất sáng tạo” trong thời gian tới”.
Bảo Hòa