Thừa Thiên Huế: Lần đầu tiên đưa phiên chợ vùng cao xuống phố
24 đơn vị là các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực, đặc trưng và sản phẩm OCOP của các địa phương miền núi, vùng cao và TP. Huế.
Đi phiên chợ vùng cao luôn là một thú vui của những du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa. Nhưng đi phiên chợ vùng cao ở phố không chỉ mang lại những cảm nhận đặc biệt khi du khách vừa được trải nghiệm văn hóa bản địa vừa cảm thấy tiện ích vì không phải đi xa.
Không khí phiên chợ vùng cao bên sông Hương giữa lòng thành phố huyên náo từ 15 giờ ngày 27-29/7 thu hút nhiều người tò mò và có nhu cầu mua sắm thực phẩm, dược liệu, thưởng thức ẩm thực vùng cao tham dự.

Thực phẩm sạch, sản phẩm OCOP, dược liệu là những mặt hàng thu hút sự quan tâm của du khách khi đến Phiên chợ vùng cao tại thành phố.
“Những lần đi công tác tại Nam Đông, A Lưới tôi thường thích thú nhất là được đi dạo chợ. Đặc biệt mỗi lần có chợ phiên vùng cao, tôi luôn dành thời gian để khám phá những gian hàng mua và để hiểu hơn văn hóa đồng bào dân tộc thiếu số Paco, Cơ tu, Tà Ôi, Vân Kiều… trong mỗi bó rau, chiếc bánh và mua làm quà cho bạn bè, gia đình.
Dịp Tết, huyện miền núi A Lưới cũng tổ chức phiên chợ vùng cao mùa xuân nhưng tôi đã bỏ lỡ vì không sắp xếp thời gian được. Không ngờ, bây giờ tôi có thể đi chợ phiên vùng cao ngay tại trung tâm thế này”, bà Nguyễn Diệu Thông (Phường Đúc, TP Huế) dẫn các con đến thưởng thức ẩm thực vùng cao tại phiên chợ chia sẻ.

Các gian hàng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP 3 sao huyện Nam Đông hút khách tại Phiên chợ vùng cao tại thành phố.
“Không ngờ bây giờ vùng cao của Thừa Thiên Huế có phong phú sản phẩm tốt cho sức khỏe tới vậy. Tôi đã mua sản phẩm dược liệu ở đây với các thương hiệu uy tín đạt tiêu chuẩn OCOP mà không cần phải đi xa”, ông Phan Trung Thông một du khách Quảng Nam nói với chúng tôi.
Hoạt động giúp hội viên, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tại huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, TX. Hương Trà... quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.

Nhiều du khách và người dân tại TP Huế tham gia mua sắm, trải nghiệm mong muốn phiên chợ vùng cao duy trì, phát triển về quy mô và chất lượng họ cho rằng cách trang trí không gian cũng nên để ý để "vùng cao" hơn.
Đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã, đơn vị tại các địa phương giao lưu, hợp tác với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Huế chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, sản lượng và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Thông qua sự kiện kết nối giao thương này, nhiều du khách quốc tế được dùng thử sản phẩm và có những phản hồi với hội viên nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất này nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, đưa ra những chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Các hộ kinh doanh xã Quảng Nhâm mang sản phẩm vùng cao xuống phố.
“Tôi mong muốn phiên chợ vùng cao tại TP Huế sẽ được duy trì và phát triển quy mô hơn nữa trong thời gian tới. Mong rằng ban tổ chức, nông dân, các cơ sở sản xuất không chỉ quan tâm đến việc trưng bày, bán sản phẩm mà còn có những hoạt động văn hóa, trải nghiệm văn hóa vùng cao đặc sắc tại đây để quảng bá vẻ đẹp văn hóa đậm đà bản sắc, sự sáng tạo của người vùng cao Thừa Thiên Huế”, bà Cao Thị Duyên (SN 1970, du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Doanh nhân trẻ Huế quan tâm 2 nền tảng chiếm lĩnh thị trường Shopee và Tiktok shop
-
Hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương: Chấn chỉnh để giữ bản sắc
-
Chuỗi sự kiện Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2024: Hấp dẫn nhưng còn vắng khách
-
Huế trăn trở nâng cao chất lượng đổi mới sáng tạo giai đoạn ‘trổ bông’
Tin khác

- Dịch vụ thu mua cửa nhôm kính tại Hà Nội