SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Thừa nhận ra văn bản “cấm xe” là không đúng thẩm quyền, nhưng mỗi năm VEC vẫn cấm hàng nghìn phương tiện

08:45, 13/02/2019
(SHTT) - Mặc dù VEC thừa nhận việc ra văn bản “cấm xe” vĩnh viễn với 2 xe ô tô vi phạm mới đây là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, thông tin mỗi năm VEC "âm thầm" từ chối phục vụ khoảng 1.000 xe ôtô vi phạm mới đây được tiết lộ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Theo đó, 2 ô tô bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác có biển số 51A-55850 và 51G-77256. 

Nguyên nhân được đưa ra là 2 phương tiện này đã vi phạm các quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV năm 2019 về việc ban hành quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia các đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

anh1

 Hiện trường vụ việc.(Ảnh: VEC E)

Tài xế có thể khởi kiện VEC E ra tòa?

Theo thông tin từ VEC E, lúc 18h20 ngày 10/2, phương tiện mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TPHCM.

Đến cabin thu phí, người điều khiển phương tiện đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà dừng tại làn thu phí, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã xuống xe, cố tình “gây rối” tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tắc giao thông.

Sau đó xe 51C-78196 tại làn 10, xe 51G-77256 tại làn 8 cũng thực hiện hành vi tương tự. Nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về các sự cố trên đây dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến, mời vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện 51A-55850, 51G-77256 và những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

Do sự việc trên nên VEC E đã ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, khai thác. Tuy nhiên, quyết địnhh này là đã khiến dư luận "nổi sóng" với rất nhiều ý kiến khác nhau.

Liên quan đến việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) khẳng định, VEC E không có quyền được hạn chế quyền công dân, quyền đó được Hiến pháp quy định. Trong Hiến pháp ghi rõ, mọi công dân đều có quyền được tự do đi lại.

Theo ông Hưng: “VEC E căn cứ vào quy định nội bộ của công ty để cấm các xe này lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC E quản lý, khai thác. Về nguyên tắc các quyết định nội bộ không được trái luật và trái luật thì nó không có giá trị".

Luật sư Hưng cũng nhấn mạnh, quy định này là trái pháp luật, chắc chắn sẽ phải được rút lại. Trường hợp nếu hai chiếc xe trên lưu thông qua các tuyến đường cao tốc của VEC E mà không được phục vụ thì tài xế có thể khởi kiện ra tòa. Bởi, người dân lưu thông qua đường cao tốc, VEC E chỉ là đơn vị quản lý và khai thác, vận hành, tất cả việc quản lý, khai thác, vận hành phải tuân thủ theo luật Giao thông đường bộ và pháp luật nói chung.

"Nếu người dân lưu thông trên cao tốc có vi phạm thì điều chỉnh bởi các quy định liên quan, ví dụ vi phạm Luật giao thông thì xử phạt hành chính về Luật giao thông, gây rối trật tự công cộng thì xử lí về gây rối, nếu nặng thì có thể truy cứu về trách nhiệm hình sự. Trường hợp này VEC E không thể tước quyền đi lại của người dân được. VEC E sai hoàn toàn rồi”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng khẳng định, việc từ chối phục vụ lưu thông của VEC E là vi phạm Hiến pháp, trái pháp luật. Mọi người đều có quyền đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Đây là đường công cộng của Nhà nước chứ không phải đường của VEC E, VEC E chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không có quyền từ chối phục vụ.

Về phần mình, Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng, căn cứ vào diễn biến vụ việc xảy ra cũng như quy định của pháp luật hiện hành có thể khẳng định quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe trên của VEC E là không có cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật.

anh2

 Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Hiện nay, trong các quy định của luật Giao thông đường bộ 2008 và nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không có bất cứ chế tài nào về việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này. Do vậy, việc VEC E cấm hai xe trên là không có căn cứ.

Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC E quản lý, khai thác không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể cấm phương tiện lưu thông.

Hệ lụy nguy hiểm

Trong khi dư luận đang sôi sùng sục với quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô mang biển số 51A-55850 và 51G-77256 của VEC E thì luật sư Trần Hải Đức (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, hành vi “từ chối phục vụ vĩnh viễn” do VEC E đưa ra thực chất là chế tài đối với phương tiện tham gia giao thông, và đây là hành vi trái pháp luật.

LS Đức cho rằng tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. VEC là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến đường cao tốc, được quy định theo Nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

Do đó, việc VEC ban hành Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10.01.2019 về việc từ chối phục vụ các phương tiện là trái quy định pháp luật. VEC không có thẩm quyền xử lý hai phương tiện nói trên (nếu có vi phạm).

Từ quan điểm trên, luật sư Trần Hải Đức cho rằng VEC cần phải hủy bỏ ngay quyết định từ chối phục vụ hai phương tiện trên còn Bộ GTVT cần phải nhanh chóng lên tiếng, vì nếu không xử lý nghiêm khắc thì đây là tiền lệ rất nguy hiểm khi các doanh nghiệp tự tiện đặt ra các chế tài đứng trên các quy định pháp luật.

Hàng nghìn xe từng bị cấm lưu thông trên cao tốc của VEC

Theo thống kê của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 hệ thống kiểm soát tải trọng của VEC đã phát hiện 28.000 lượt phương tiện vi phạm trong tổng số 1,285 triệu lượt phương tiện qua cân tải trọng tự động, qua đó buộc quay đầu 22.600 phương tiện. 

Đặc biệt, tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai là tuyến phát hiện 24.700 lượt xe quá tải và từ chối nhiều nhất với 19.160 phương tiện vi phạm tải trọng.

“Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trung bình mỗi ngày có 20 phương tiện tạm thời không được lưu thông trên tuyến do chở quá tải”, đại diện VEC cho biết và thông tin thêm, trong 2 quý đầu năm 2018, VEC từ chối phục vụ 72 phương tiện do vi phạm quy định dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, 2 trường hợp sang tải trên tuyến, 17 trường hợp quá tải vượt trạm, chống đối nhân viên và 9 phương tiện đi ngược chiều.

Thu Hiền

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.