Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các nước cần tự lực, tự cường, chủ động chiến lược
Tại phiên trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về ý nghĩa của tự chủ chiến lược với ASEAN và Việt Nam. "Bất kỳ quốc gia nào, tổ chức nào cũng cần đặt vấn đề về tự lực, tự cường, chủ động chiến lược" - Thủ tướng nhấn mạnh. Điều đó thể hiện qua một số khía cạnh.
Thứ nhất, về quan hệ đối ngoại phải luôn giữ thế cân bằng, đối xử công bằng, hữu nghị, tạo nên môi trường hòa bình, hợp tác phát triển dựa trên luật lệ.
Thứ hai, để tự lực thì kinh tế phải phát triển, nếu không sẽ tụt hậu, không tự lực chiến lược và tự cường.
Thứ ba, cần phải tăng cường, củng cố quốc phòng và an ninh phù hợp tình hình, và điều này đòi hỏi kinh tế phải phát triển.
Thứ tư, về an sinh xã hội cần đảm bảo công bằng, tiến bộ trong xã hội văn minh, hỗ trợ cho người yếu thế trên nguyên tắc, mục tiêu là phát triển không để ai ở lại phía sau.
Cuối cùng, ngoài yếu tố tự lực tự cường là cốt lõi, thì cần phát triển bản sắc văn hóa để phát huy nội lực, bởi văn hóa là sức mạnh nội sinh, phát huy nguồn lực của dân tộc.

Về vai trò trung tâm của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước hết mỗi nước trong ASEAN phải có chính sách, hành động hiệu quả cho hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới; rồi chúng ta tổng hòa hiệu quả từ các nước trong ASEAN để tạo động lực, truyền cảm hứng cho các nước, các khu vực khác.
Để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, Thủ tướng cho rằng ASEAN không những tham gia, ủng hộ các giải pháp, diễn đàn mang lại hòa bình, hợp tác, phát triển, mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân mà còn phải góp phần dẫn dắt cuộc chơi đi đến kết quả cao nhất.
Thủ tướng nêu rõ, cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác, đối tác với 25 quốc gia, nhất là các nước lớn, các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; qua đó tăng cường vai trò của ASEAN với các vấn đề nổi lên như chiến tranh và hòa bình, xử lý xung đột, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo…
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quản trị quốc gia và thế giới đều phải dựa trên luật lệ, chúng ta phải thiết kế luật lệ, tôn trọng luật lệ và thực hiện có hiệu quả.
Chia sẻ về khái niệm "trật tự dựa trên luật lệ", Thủ tướng cho rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế về điều này đã rõ, với một số nội dung cơ bản.
Thứ nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thứ hai, luật lệ phải tôn trọng quyền con người, con người sinh ra có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền mà không ai có thể xâm phạm được để con người có thể phát triển tự do, bình đẳng, đáp ứng yêu cầu chung của các dân tộc cũng như mỗi con người.
Thứ ba, chúng ta sống phải yêu thương, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau với nguyên tắc bình đẳng, tất cả đều phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cụ thể hơn tại ASEAN, Thủ tướng cho biết ASEAN cũng có các luật lệ, nguyên tắc như đoàn kết, thống nhất trong đa dạng; trung lập, vì lợi ích chung; tôn trọng các nước khi đóng góp tích cực cho ASEAN phát triển; ứng xử linh hoạt với các vấn đề nhạy cảm của khu vực và quốc tế; giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, mang lại hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực, mang lại lợi ích cho người dân sống trong ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng cho biết đây là những nguyên tắc mà các nước ASEAN đều chia sẻ, thống nhất và hằng năm các nhà lãnh đạo đều gặp nhau, thảo luận để làm sao năm sau làm tốt hơn năm trước, nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn năm trước.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
