Thủ tướng: Cần khích lệ, truyền cảm hứng cho các ý tưởng khoa học công nghệ
Phát biểu tại Lễ Chào mừng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây tròn 60 năm, vào ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...".
Xác định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đánh giá nền khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các nhà khoa học có những đóng góp rất quan trọng như sáng tạo các loại vũ khí chiến đấu (súng Bazoka, lựu đạn, mìn, súng cối, súng không giật DKZ...), các công trình nghiên cứu kỹ thuật quân sự chống nhiễu ra đa, cải tiến tên lửa phòng không – không quân, nghiên cứu, ứng dụng các loại thuốc chống sốt rét, bệnh lây nhiễm, da liễu, các kỹ thuật ngoại khoa tại chiến trường.
Đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng của đất nước như xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La, đường dây 500kV Bắc – Nam, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười.
Đồng thời, Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, đội ngũ trí thức, khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ có đóng góp cho ngành khoa học công nghệ. Thị trường khoa học công nghệ đã bước đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực. Song song đó, khoa học xã hội và nhân văn cũng được đẩy mạnh với nhiều thành tựu. Cùng với đó là 3 trụ cột chính: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tranh thủ sức mạnh dân tộc và thời đại.
Bước tiến rõ nét của khoa học công nghệ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, phục vụ thiết thực đời sống xã hội như lai tạo gạo ST25, chọn tạo bộ giống, quy trình kỹ thuật canh tác lúa và nhiều loại cây ăn quả, các phương pháp mổ tuyến giáp, mổ gan khô, ghép tạng, chủ động được 11/12 loại vắc-xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Nhiệm vụ trọng tâm của khoa học công nghệ Việt Nam
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.
Thủ tướng chỉ rõ, phải thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cho khoa học, công nghệ; tạo sự đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài khoa học, công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học, công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hương Mi