SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Thư Tổng biên tập: Khát vọng xuân 2021

08:03, 12/02/2021
(SHTT) - Khó khăn vì chịu tác động của dịch COVID-19, làm cho kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng từ các ngành mũi nhọn của quốc gia như du lịch, hàng không, xuất khẩu lao động, xuất khẩu hàng hóa…, nhưng năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91%.

Đây là mức tăng thấp nhất trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng ghi nhận thành tích đáng nể của Việt Nam trong việc vượt qua thử thách, bởi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới.

 Trước hết nói về công tác phòng chống dịch hiệu quả. Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 23/1/2020, Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.

luong-hoang-hung-2008

 Nhà báo Lương Hoàng Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo

Khi đợt dịch thứ hai bùng phát, Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm thực hiện giãn cách xã hội và chỉ tiến hành cách ly, giãn cách xã hội ở phạm vi hẹp hơn, qua đó giảm thiểu tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất-kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam vẫn duy trì được không ít không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn của năm 2020.

Theo đó là công tác chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng biện pháp quy trách nhiệm của người đứng đầu với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền. Từ đó, những người đứng đầu dấn thân hơn, tự làm, tự chịu trách nhiệm cao hơn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công có sẵn và cải thiện hệ thống thông tin, tư vấn chuyên gia để hỗ trợ cho quyết định đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp (DN), để giúp DN vượt qua khó khăn. Cụ thể là thúc đẩy hỗ trợ vốn, cải cách thủ tục hành chính, giảm thuế, hỗ trợ làm việc online… Ngoài ra, Chính phủ đã không ngừng đàm phán, ký kết thêm những hiệp định thương mại song phương và đa phương, nhằm tạo cơ hội hợp tác, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh đại dịch để tạo cơ hội cho xuất khẩu của DN Việt. Các mô hình kinh tế mới cũng được nghiên cứu và cụ thể hóa thành chính sách, mà điển hình nhất là Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Trong lần gần đây tiếp xúc với các DN, Thủ tướng cho biết, Việt Nam giờ là công xưởng lớn của thế giới, là điểm tựa của nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia, có chuỗi sản xuất trong khu vực và toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda… và hàng nghìn DN FDI khác, là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và tăng trưởng của Việt Nam.

Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh hoàn toàn có thể ươm mầm cho nhiều DN lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế. Rất nhiều DN của Việt Nam giờ đây không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã "ra biển lớn", đang khẳng định vị thế cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của DN Việt Nam.

Năm 2021 được cho là năm quan trọng bởi là năm đầu tiên của giai đoạn phát triển kinh tế 2021-2025. Mặc dù vậy, năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp, tác động tiêu cực có thể kéo dài.

Tuy vậy, nhưng Chính phủ có niềm tin vào một Việt Nam bứt phá trong giai đoạn tới. Đó là khi Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021, nhưng Chính phủ cho rằng sẽ đạt đến 6,8%. Tại sao Chính phủ có được niềm tin như vậy? Bởi, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm theo dõi sát các diễn biến liên quan như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trên các lĩnh vực, chuyển biến công nghệ... để có những cân nhắc, cập nhật kịch bản điều hành trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin với cộng đồng DN để cùng chung tay vượt qua thách thức, cùng tiến tới phục hồi kinh tế đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư; khơi thông trách nhiệm hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công trong năm 2021, làm hình mẫu cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Mặt khác, Chính phủ tăng cường hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp để họ giữ được tinh thần hứng khởi đối với hoạt động kinh doanh; hoàn thiện những chính sách căn bản về hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối doanh nghiệp để thu hút FDI hiệu quả, tận dụng hiệu quả làn sóng chuyển dịch đầu tư sang VN.

Đặc biệt, Chính phủ thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh một cách mạnh mẽ. Theo Thủ tướng là  “Không để lãi suất phá hủy môi trường kinh doanh”.

Thủ tướng cho rằng, để nắm bắt cơ hội từ thế giới cần nỗ lực ba bên trong đó doanh nghiệp cần xoá bỏ tâm lý trông chờ vào Chính phủ, doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi giá trị.

 Do vậy, chúng ta có thể tin rằng, nền kinh tế sẽ vẫn giữ được sức bật và cơ hội để thực hiện đầy đủ các mục tiêu phát triển kinh tế sẽ lớn hơn.

Mùa xuân tràn đầy năng lượng và khát vọng. Khát vọng chấn hưng đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là động lực phát triển, kết nối sức mạnh toàn dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên những đỉnh cao mới.

Nhà báo Lương Hoàng Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Đó là thông điệp được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi thăm và làm việc tại Liên hiệp các Hội khoa học và ký thuật Việt Nam (VUSTA) vào chiều ngày 23/4 vừa qua.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 vào sáng 23/4 tại TP Sầm Sơn.