SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Thu tiền tác quyền âm nhạc: Cuộc tranh cãi kéo dài!

13:38, 30/06/2017
(SHTT) - Việc thu tiền tác quyền âm nhạc luôn gây nhiều tranh cãi và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người cho rằng không có cơ sở pháp lý để thu thì có nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng ủng hộ việc này.

Đầu tháng 5/2017, hàng trăm khách sạn 1 - 3 sao tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam, thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”. Khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm. Sự việc không dừng lại ở đây khi nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC – cũng cho biết sẽ thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê. Bắt đầu từ đó đến nay đã có những cuộc tranh luận về pháp lý quanh việc thu tác quyền này.

Không có cơ sở pháp lý để thu?

 Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, thu phí tác quyền vô lý. Đây là nhận thức sai. Ở đây, người phải trả tiền bản quyền tác giả là người trực tiếp sử dụng tác phẩm đó để biểu diễn, hoặc là để tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí, các Đài truyền hình. Còn người dân, ở đây là đại diện doanh nghiệp kinh doanh khách sạn họ đã trả tiền cho nhà mạng để sử dụng dịch vụ, chứ không phải sử dụng các tác phẩm âm nhạc, nên ở đây gây ra sự nhầm lẫn về đối tượng sử dụng, tạo ra dư luận xã hội không tốt. Với giải thích theo kiểu của VCPMC hiện nay, thì tại sao không thu tiền bản quyền tác giả cho các hộ gia đình trên cả nước? Phải hiểu rằng, trong Luật quy định phải trả tiền bản quyền đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà đài làm chương trình đó, thì Đài truyền hình là đối tượng trả tiền tác quyền cho tác giả. Không có trường hợp phí chồng phí, thuế chồng thuế được, làm sao bắt dân đóng phí hai lần.

thu tien tac quyen am nhac

 

 Luật sư Nguyễn Văn Thộng (Đoàn luật sư TPHCM), cho rằng, cách mà VCPMC triển khai thu tiền tác quyền đang khiến nhiều cơ sở kinh doanh phản ứng bởi sự thiếu rõ ràng và pháp luật sở hữu trí tuệ chưa cụ thể được các nghĩa vụ trả phí tác quyền. Bởi lẽ, hiện nay, VCPMC đang đổ đồng thu mỗi tivi ở khách sạn 25.000 đồng/năm. Và, họ giải thích là thu quyền sử dụng “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” theo Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006.

Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 23, Nghị định số 100 mà VCPMC viện dẫn có nội dung như sau: “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân sử dụng “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” phải trả thù lao, nhuận bút.

 Thế nhưng, các khách sạn, quán cà phê đang kinh doanh họ có quyền phản ứng bởi lẽ, đối tượng đang sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là các đài truyền hình, tổ chức phát sóng chương trình chứ không phải là các khách sạn đang sử dụng quyền này.

Các khách sạn, quán cà phê chỉ sử dụng tivi, máy phát nhạc như một công cụ thường dùng, như một vật dụng thường nhật trong đời sống và rõ ràng họ không đặt hàng các nhà đài phải phát bài nhạc gì cho mục đích kinh doanh của họ. Việc thụ hưởng các tác phẩm âm nhạc của khách lưu trú nếu có là thụ động.

Khách sạn, quán cà phê cũng không chủ động trong việc sử dụng tác phẩm để trình chiếu cho khách lưu trú. Họ thậm chí cũng chẳng quan tâm trên truyền hình có phát âm nhạc hay không, trên đó trình chiếu những gì thì làm sao có thể quy cho họ đang thực hiện quyền biểu diễn âm nhạc được. Do đó, theo nội dung của Luật sở hữu trí tuệ và đối chiếu thực tế thì nên hiểu là các đài truyền hình mới là bên sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm, là người làm chương trình, chủ động trình chiếu tới công chúng và việc họ sử dung tác phẩm âm nhạc là để đảm bảo chương trình của họ hấp dẫn, thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ truyền hình của họ, hưởng lợi từ hoạt động quảng cáo…

Thu là đúng!

 "Việc thu phí tác quyền âm nhạc là cần thiết. Anh dùng bài hát của nhạc sĩ ở bất cứ chỗ nào đều phải nộp tiền tác quyền". Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, hiện nay Trung tâm đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước ngoài (khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới). Tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện sau khi phía VCPMC công bố mức nhuận bút tác phẩm hàng năm các khách sạn, quán cà phê phải trả.

thu tien tac quyen am nhac b

 

 Theo đó, nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng ủng hộ việc thu phí tác quyền âm nhạc của VCPMC. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho hay, tại Việt Nam, hầu như các nhạc sĩ đều đăng ký và ký kết vào 1 bản ủy quyền thu nhuận bút tác quyền âm nhạc cho VCPMC. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thêm vào, không chỉ riêng ông mà nhiều nhạc sĩ khác đều ủy quyền cho VCPMC đứng ra đại diện pháp lý để làm việc với các đơn vị, cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc. Kế hoạch thu như thế nào là tính toán của VCPMC và phải phù hợp với các quy định của pháp luật. NSND Quang Thọ cũng chia sẻ, việc thu phí là cần thiết. Anh dùng bài hát của người ta vào bất cứ chỗ nào, kể cả quảng cáo, kể cả dùng nhạc nghe ở trên máy bay đều phải nộp tiền tác quyền.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc chủ các khách sạn, quán cà phê đòi trung tâm phải trưng giấy ủy quyền của tác giả là không cần thiết. Đơn vị nào có ý kiến, VCPMC sẵn sàng đối thoại, có thể mời đến văn phòng để xem giấy ủy quyền. Đặc biệt, VCPMC còn thông báo, trung tâm có bản quy định về mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1/10/2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm được tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm…

Tranh luận vòng vo, kéo dài

Câu chuyện đóng tác quyền âm nhạc khi mở tivi trong các khách sạn, quán cà phê là việc đang gây ra nhiều tranh cãi. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - khẳng định việc thu phí dựa trên nền tảng luật pháp, tham khảo công ước Berne, hệ thống luật pháp quốc tế và áp dụng vào đời sống thực tiễn trong nước.

thu tien tac quyen am nhac b

 

Tuy nhiên, phản bác lại ông Phó Đức Phương, nhiều luật sư cho rằng, giải thích của VCPMC chưa thuyết phục. Bởi, Luật sở hữu trí tuệ đã có quy định rất rõ, tổ chức, cá nhân sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng phải trả thù lao, nhuận bút, trả phí tác quyền. Theo các luật sư, trong trường hợp này, nếu VCPMC ra quyết định mà không đúng thì theo Luật, các đơn vị có quyền không chấp hành. Ngoài ra họ có quyền khiếu nại hành vi sai trái của người ra văn bản. Tùy vào mức độ cụ thể mà có thể khởi kiện theo thủ tục hành chính hoặc theo quan hệ hình sự.

Thạch Anh (T/h)

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.