Thủ pháp giễu nhại trong sân khấu và tài sản trí tuệ
Trong đời sống văn hóa nghệ thuật trên thế giới và ở nước ta, từ xưa đến nay, giễu nhại là hình thức sáng tạo, là nghệ thuật. Đó là thủ pháp bắt chước một cách quá lố những sản phẩm nghệ thuật được nhiều người biết biết đến (như một câu thơ, một bài thơ, một đoạn phim, một trích đoạn kịch, một ca khúc, một bức tranh, một trò chơi, một chương trình v.v...) để tạo ra tiếng cười châm biếm.
Bức họa nổi tiếng của Leonard de Vinci vẽ nàng Mona Lisa, có lẽ là tác phẩm hội họa được nhại nhiều nhất. Báo Tuổi Trẻ Cười trước đây có mục cho phép các tác giả sáng tạo bằng hình thức mượn giai điệu ca khúc hay lời ca dao để "chế" lời mới cho một nội dung châm biếm đả kích nào đó. Nhiều tờ báo trên thế giới cũng hay khai thác các tác phẩm nổi tiếng để "giễu nhại" thành những tác phẩm phái sinh nhằm tạo ra tiếng cười có chủ ý nhưng không hề vi phạm bản quyền tác phẩm gốc vì người thưởng thức hiểu rõ ý đồ, biết đặt tác phẩm vào bối cảnh và tình huống mới!
Trong chương trình Táo quân Tết 2023 mới đây, cái tứ cuộc thi "Táo Bạo" là hình thức giễu nhại các cuộc thi hoa hậu. Nhưng, thủ pháp giễu nhại dùng trong các chương trình Táo quân này không chỉ có thế, nó được khai thác ở nhiều cấp độ. Có thể nói, đây là thủ pháp được khai thác gần như chủ yếu trong chương trình mà phổ biến nhất là nhại giai điệu các ca khúc nổi tiếng để thay cho lời thoại.
Ưu thế của dàn diễn viên Táo quân VTV lâu nay là có khả năng hát tốt nên nhạc chế được khai thác với tỷ lệ cao. Sô diễn như một vở ca kịch. Người viết bài này không thể thống kê hết và cũng không biết hết những bài hát đã bị dùng trong chương trình Táo quân 2023 vừa qua. Ví dụ, ca khúc Việt Nam có Hoa sữa (Hồng Đăng), Sắc màu (Trần Tiến), Từ một ngã tư đường phố (Phạm Tuyên), Vợ người ta (Phan Mạnh Quỳnh), Thật bất ngờ (Mew Amazing - Lê Đức Hùng); Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân), Đúng cũng thành sai (Mỹ Tâm); ca khúc nước ngoài có Daddy Cool (Boney M), Gangnam Style (Psy), You're My Heart, You're My Soul (Modern Talking), sóng Danube… Ngoài ra còn có một số bài dân ca Nghệ an, bài hát Lý kéo chài, bài hát chính thức của World Cup 2006 và nhiều bài hát hòa tấu kinh điển khác…
Phàm trong chuyện giễu nhại, người ta thường đem những cái vốn trang trọng, sang trọng, đẹp đẽ để nhại với những chuyện tầm thường, tầm phào nhằm tạo ra tiếng cười. Giễu nhại là thủ pháp chỉ tạo hiệu quả nếu đặt đúng chỗ, đúng bối cảnh.
Trong các chương trình Táo quân, nhiều bài hát gốc vẫn giữ nguyên phần phối khí và cấu trúc như để khoe tài ca hát của diễn viên, phần "sáng tạo" của họ là đặt lời mới thay cho lời thoại. Dàn dựng những tiết mục hát múa giễu nhại trong chương trình cũng rất cực và tốn kém (diễn viên phải tập hát và làm động tác rất cực). Hình thức "sáng tạo" kiểu đặt lời giễu nhại cho ca khúc nổi tiếng của các chương trình "Gặp nhau cuối năm", "Gala cười" rất phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong dung lượng chương trình.
Và có thể nói, chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân" bản chất là một sô tấu hài, kịch bản của nó hoàn toàn không phải là vở diễn sân khấu mà giống kiểu thông tin lưu động - giống nhất ở các đoạn kết, thôi thì đủ các thể loại thông điệp, chủ đề gán vào miệng các nhân vật và diễn viên phải lên gân cho nó "có hậu".
Các chi tiết trong kịch bản Táo quân được tác giả nhặt từ những câu chuyện thời sự trong năm trên báo chí - truyền thông. Thời của mạng xã hội, tác giả kịch bản chỉ cần vào mạng xã hội cũng có thể thu thập, khai thác khối dữ liệu từ những câu nói đến các tình huống hài hước, châm biếm đã được trí tuệ dân gian sáng tạo sẵn.
Tất nhiên phải có tài năng mới biến hóa, mới sân khấu hóa những chất liệu "dân gian" (có địa chỉ) ấy. Nhưng xét trên bình diện sáng tạo, thì việc diễn lại những câu chuyện của cư dân mạng hay hát lại những giai điệu, tiết tấu nổi tiếng… với một tỷ lệ đậm đặc như thế mà không ghi "nguồn" trong một chương trình quan trọng, phát vào thời điểm thiêng liêng trên sóng truyền hình quốc gia và được đầu tư công phu, khán giả vẫn cảm thấy như mình bị ăn gian!
Phan Văn Tú