SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 tại Việt Nam bước đầu cho kết quả an toàn

07:26, 30/09/2021
(SHTT) - Là sản phẩm được chuyển giao công nghệ nhưng vaccine ARCT-154 vẫn được yêu cầu thực hiện 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo tính an toàn trước khi được phê duyệt tại Việt Nam. Kết quả nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn 1 mới được công bố cho thấy vaccine ARCT-154 an toàn khi tiêm cho tình nguyện viên.

ARCT-154 là vaccine do VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. ARCT-154 là vaccine thứ 3 trong chuỗi các vaccine COVID-19 được nghiên cứu, sản xuất và nhận chuyển giao từ nước ngoài ở Việt Nam.

ARCT-154 là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vaccine Pfizer và Moderna đã được cấp phép) đầu tiên của Việt Nam.

Các loại vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA của công ty Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác. Kết quả ban đầu nhận được rất khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp, tính sinh miễn dịch cao.

Đặc biệt, ARCT-154 là vaccine có khả năng chống được biến chủng Delta, đang được thử nghiệm giai đoạn 1, 2 tại Singapore.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết với tinh thần vaccine dùng cho người phải đảm bảo an toàn và hiệu quả, phù hợp với người Việt Nam, Hội đồng Đạo đức Quốc gia của Bộ Y tế đã đề nghị vaccine này phải thử nghiệm đầy đủ cả 3 pha (3 giai đoạn).

Trong đó pha 1-2 được Hội đồng cho phép đẩy nhanh, từng bước cuốn chiếu khẩn trương chuyển sang pha 3.

"Quy trình được rút ngắn lại nhưng vẫn đảm bảo khoa học của thế giới" – GS Tạ Thành Văn khẳng định.

vaccine-arct4-1628999090051101351892

 

Ngày 29/9 vừa qua, đã có 82 người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3a vaccine Covid-19 ARCT-154 đã tiêm mũi một tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Như vậy, sau 2,5 ngày tiêm, gần 340 tình nguyện viên ở đây đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine này.

Việc thử nghiệm tại phía Bắc do Đại Học Y Hà Nội triển khai, khu vực phía Nam do viện Pasteur TP.HCM triển khai.

Thông tin của nhóm nghiên cứu Đại học Y Hà Nội cho biết giai đoạn 2 và 3a, vaccin này được thử nghiệm lâm sàng tại Hà Nội; Bắc Ninh và Long An với khoảng 1.000 tình nguyện viên.

Tại Bắc Ninh, việc thử nghiệm lâm sàng được triển khai tại huyện Yên Phong ở các xã Tam Giang, Yên Phụ, Hoà Tiến, Đông Thọ và thị trấn Chờ.

Từ ngày 20 đến 23/9, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành thu tuyển tình nguyện viên; từ ngày 24 đến 26/9, tổ chức khám sàng lọc.

Qua khám sàng lọc hơn 500 tình nguyện viên tuổi 18-65, nhóm nghiên cứu thu tuyển được 338 người. Ngày 27/9, nhóm bắt đầu tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154.

“Trong hôm nay, chúng tôi tiêm xong mũi 1 vaccine này cho 82 người cuối cùng trong số 338 tình nguyện viên”, PGS.TS Phạm Thị Vân Anh, nghiên cứu viên của nhóm nghiên cứu Đại học Y Hà Nội, nói.

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh cho biết báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 về tính an toàn của vaccin ARCT-154 đã được Hội đồng Đạo đức Y sinh học Bộ Y tế nghiệm thu ngày 20/9. Các kết quả bước đầu cho thấy vaccine ARCT-154 an toàn trên người tình nguyện khỏe mạnh.

"Chúng tôi đánh giá đây là nghiên cứu có tính khoa học và đảm bảo các điều kiện để triển khai giai đoạn tiếp theo. Hội đồng đánh giá giai đoạn 1 trước hết vaccine này là an toàn. Về tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ, chúng tôi hy vọng trong thời gian khi triển khai giai đoạn 2 và 3 tại nhiều tỉnh thành Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp với tổng số hơn 20.000 người tình nguyện. Sau khi có kết quả của giai đoạn 3, Bộ Y tế sẽ có những kết quả cuối cùng về hiệu lực bảo vệ của vacine này", TS Nguyễn Ngô Quang nói.

Cũng theo TS Nguyễn Ngô Quang, vaccine ARCT-154 theo công nghệ mRNA được phát triển trên cơ sở vaccine ARCT-021 (đã có các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2 và 3 ở Mỹ và Singapore). Chính vì thế, Hội đồng đạo đức đã cho phép để đảm bảo tiến độ và thời gian và đặc biệt có được vaccine theo công nghệ trên nhằm phục vụ cho công cuộc phòng, chống dịch ở Việt Nam, nghiên cứu này được triển khai gối đầu giai đoạn 2 và 3a.

Đại học Y Hà Nội và Viện Pasteur TP.HCM đang tiến hành triển khai giai đoạn 2 và 3a. Hiện việc tiêm mũi 1 hoàn thành tại Bắc Ninh và Vĩnh Long.

Theo đề cương của nghiên cứu, dự kiến việc tiêm mũi 2 vaccine này với người tình nguyện của gian đoạn 2 và 3a tại Yên Phong diễn ra khoảng ngày 25-27/10. Đầu cầu phía Nam, cũng khoảng thời gian này sẽ diễn ra việc tiêm thử nghiệm mũi 2 cho người tình nguyện.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định, với tiến độ dự kiến, vaccine ARCT-154 hoàn toàn có thể kết thúc 3 giai đoạn thử nghiệm ngay trong năm 2021, tiến tới sản xuất thành công vaccine này. Đương nhiên điều này còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine của tập đoàn Vingroup tại khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Thái An

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 14 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 14 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.