Thu giữ hơn 5.500 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hiệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Thông tin Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh cho biết, ngày 12/6/2024, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Nhà sách K.T (địa chỉ số 76, đường Võ Thị Sáu, khu phố 4, Phường 3, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh).
Qua kiểm tra, phát hiện Nhà sách trên đang buôn bán các loại sách giáo khoa nhiều khối lớp học khác nhau có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với số lượng 5.547 quyển, tổng trị giá hàng hóa: 117.528.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa là sách giáo khoa trên bìa có ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem chống hàng giả có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Khi dùng đèn chiếu lên tem chống hàng giả trên bìa sách thì trên tem không hiện họa tiết phản quang “GD”, không có họa tiết in nổi, phần phủ nhũ không cào được. Ngoài ra sách không được đóng trong thùng carton của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.Lực lượng chức năng đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng trên để xác minh, điều tra làm rõ xử lý theo quy định.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, hoạt động kiểm tra trên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn tỉnh. Để ngăn chặn vấn nạn sách giáo khoa giả không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà còn cần sự “thông thái” của chính những người tiêu dùng.
“Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, các vị phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn mua sách giáo khoa nên đăng ký mua sách qua nhà trường hoặc lựa chọn mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của Nhà xuất bản, các công ty sách và thiết bị trường học tại địa phương. Không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, nhất là ở vùng nông thôn hay địa bàn mà các đối tượng buôn bán sách giả hay hướng tới”, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh khuyến cáo.
Trên thực tế, hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái đã và đang là vấn đề nhức nhối, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Cho đến thời gần đây, tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có cả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục… (xuất bản phẩm giáo dục).
Việc sử dụng sách giáo dục giả sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hại. Trước hết, việc sản xuất và tiêu thụ sách giả nói chung và sách giáo dục giả nói riêng là hành vi xâm hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, của các đơn vị xuất bản, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, việc sử dụng sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh, là điều đáng lo ngại nhất.
Sách giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của học sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị lực.
Trong trường hợp sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập trang dữ liệu online và không sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh trong học tập. Điều này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.
Minh Tú
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Phát hiện cơ sở có hành vi phù phép hạn sử dụng hàng hóa
-
eOne dùng chiêu “ve sầu thoát xác” trong vụ tranh chấp bản quyền với Sconnect
-
Ninh Thuận: Xử phạt doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc giả mạo nhãn hiệu
-
Quảng Trị: Tăng cường công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Tin khác
