Thỏa ước La Hay mang lại nhiều lợi ích trong bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài
Cục Sở hữu Trí tuệ vừa đưa ra tổng kết sơ lược những lợi ích do Hệ thống La Hay mang lại trong hoạt động đăng ký quốc tế KDCN sau 1 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hệ thống này.
Theo đó, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế KDCN vào ngày 30/12/2019, việc đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia có thể thực hiện đồng thời chỉ bằng một đơn đăng ký duy nhất nộp tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Người nộp đơn chỉ cần khai một bộ hồ sơ duy nhất, nộp các khoản phí đăng ký một lần bằng một loại tiền tệ duy nhất và chỉ định những quốc gia mong muốn được bảo hộ, Văn phòng quốc tế sẽ làm các thủ tục còn lại và chuyển yêu cầu đăng ký bảo hộ tới các quốc gia được người nộp đơn chỉ định.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn cho biết, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và quốc tế là một xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có KDCN sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Để tạo thuận lợi, linh hoạt về thủ tục, tiết kiệm về chi phí cho các chủ thể quyền khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở các quốc gia, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã thiết lập các hệ thống đăng ký quốc tế về sáng chế (Hệ thống PCT), nhãn hiệu (Hệ thống Madrid) và KDCN (Hệ thống La Hay). Trong đó, việc đăng ký quốc tế sáng chế theo Hệ thống PCT và đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid đã tương đối quen thuộc với các chủ thể quyền của Việt Nam.
Khi Việt Nam chưa gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, các doanh nghiệp Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình tại nhiều quốc gia khác sẽ phải nộp riêng lẻ theo thủ tục của từng quốc gia với nhiều khoản phí khác nhau. Với nỗ lực và mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể quyền trong và ngoài nước bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá và quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện Geneva 1999. Theo đó, Thỏa ước La Hay chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 30/12/2019.
Hệ thống La Hay cho phép người nộp đơn có thể nộp lên đến 100 kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn duy nhất tại một thời điểm và có cơ hội được bảo hộ tại hơn 60 quốc gia và khu vực là thành viên của Thỏa ước theo Văn kiện 1999 trong đó, có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Singapore… với chi phí đăng ký tiết kiệm hơn so với việc đăng ký ở từng quốc gia riêng lẻ.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, đồng thời là cơ quan trực tiếp xử lý các nghiệp vụ liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT đã không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời, luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về SHTT, cập nhật các thông tin mới cho doanh nghiệp và các chủ thể liên quan để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN ban hành kèm theo Quyết định số 1189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hải An
TIN LIÊN QUAN
-
Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030
-
Vụ đạo nhái tượng ở Tuy Hòa: Ông Nguyễn Thành Vinh tự nhận kỷ luật khiển trách
-
Sáng chế robot chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của bác sĩ BVĐK Sa Đéc
-
Hòa Bình: Tăng cường quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc
Tin khác
- giá hộp số giảm tốc Đài Loan