SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thỏa thuận về tiền quyền tác giả: Dự thảo luật có “gạt” tác giả ra rìa?

06:30, 21/08/2017
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan dường như đang “gạt” tác giả sang bên lề của cuộc thỏa thuận về tiền bản quyền...

Tác giả “đứng” ở đâu?

Theo Điều 42 Dự thảo nói trên, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan sẽ thỏa thuận với bên khai thác, sử dụng tiền quyền tác giả, quyền liên quan về biểu mức tiền. Trường hợp không thỏa thuận được thì biểu mức tiền sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 21/2015/NĐ-CP và Nghị định 18/2014/NĐ-CP.

Trong bản góp ý gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định này cần được cân nhắc, xem xét. Bởi lẽ, về bản chất, có ba chủ thể có liên quan trong việc xác định tiền tác quyền trong trường hợp này, bao gồm tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, tổ chức đại diện quyền tác giả, và đơn vị khai thác/sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, theo quy định nói trên thì tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gần như không có vai trò gì trong đàm phán để xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan.

“Tất nhiên, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm có thể đã ủy quyền cho tổ chức đại diện; tuy nhiên, không phải khi nào phạm vi ủy quyền không bao gồm xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Trong trường hợp này, về nguyên tắc trong các hoạt động đàm phán, thỏa thuận về mức tiền này, nhất thiết phải có sự tham gia của tác giả/chủ sở hữu” – VCCI nhận định.

Trong khi đó, xét về bản chất, mối quan hệ giữa tác giả/chủ sở hữu với tổ chức đại diện; tổ chức đại diện với bên khai thác, sử dụng tác phẩm là quan hệ hợp đồng. Do đó, mọi thỏa thuận, nhất là liên quan đến mức tiền quyền tác giả đều phải dựa trên cơ sở hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận được mức giá hợp lý, hợp đồng có thể sẽ không được thiết lập và bên khai thác, sử dụng không được phép khai thác, sử dụng tác phẩm, nếu vi phạm sẽ được giải quyết tại tòa án hoặc phương thức giải quyết tranh chấp khác. Do đó, VCCI cho rằng, xét trên tính chất của mối quan hệ này, việc Nhà nước yêu cầu phải xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với các định mức do Nhà nước quy định tại 02 Nghị định nói trên cũng là chưa phù hợp.

ban_quyen_PVAF.jpg

 

Có “vênh” Bộ luật Dân sự?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 43 Dự thảo, trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thì trình tự để bên khai thác, sử dụng tác phẩm trả tiền sẽ như sau: Bên khai thác, sử dụng tác phẩm gửi văn bản đề nghị tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan; Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm liên lạc, thông báo với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan về đề nghị này.

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Theo các chuyên gia pháp luật, quy định trên là chưa phù hợp với pháp luật dân sự về quyền sở hữu. Chủ sở hữu có mọi quyền năng đối với tài sản mà mình sở hữu, trong đó bao gồm cả việc xác định mức giá của tài sản của mình. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện thì mọi vấn đề liên quan đến tác phẩm, bên muốn khai thác sử dụng phải liên hệ trước tiên với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan vì chỉ có họ mới có quyền với tác phẩm đó. Lúc này, tổ chức đại diện chưa đóng vai trò gì đối với các tác phẩm của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm trên. Do vậy, liên hệ với tổ chức đại diện trong trường hợp này là chưa phù hợp.

Mặt khác, việc liên hệ với tổ chức đại diện và từ tổ chức đại diện liên hệ lại tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan khiến cho quy trình trở nên phức tạp, vì trong trường hợp tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan không đồng ý ủy quyền thì tổ chức đại diện cũng không được quyền thu tiền và người khai thác, sử dụng vẫn phải tìm đến tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan để thỏa thuận. Như vậy sẽ là một đường vòng và phải quay trở lại điểm xuất phát là liên hệ trực tiếp với tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

Không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả: thu tiền tác quyền hay không?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 43 Dự thảo thì trường hợp không phân chia được quyền tác giả, quyền liên quan vì lý do khách quan, tổ chức đại diện sẽ vẫn thu tiền và sau thời hạn 03 năm kể từ thời điểm đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu, mà vẫn không tìm được chủ sở hữu quyền, “tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định nộp tiền quyền tác giả, quyền liên quan vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí quản lý hành chính”.

Quy định này là mâu thuẫn với chính quy định tại khoản 6 Điều 43 Dự thảo đã dẫn ở trên, vì theo quy định tại khoản 6 thì tổ chức đại diện “chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan”. Theo quy định này thì sẽ không xảy ra trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan mà tổ chức đại diện vẫn thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan.

Mặt khác, quy định tại khoản 7 sẽ dẫn tới trường hợp làm hạn chế quyền năng của chủ sở hữu (khi không được quyền quyết định đối với tài sản của mình) và chưa hợp lý vì trong trường hợp không có ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức đại diện không có vai trò/quyền hạn gì đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, do đó quy định cho phép tổ chức này thu tiền khi không có ủy quyền là bất hợp lý.

Theo Pháp luật Việt Nam

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.