SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Thiệt hại từ đòn trừng phạt của phương Tây, doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt 'chia tay' thị trường Nga

09:33, 01/03/2022
(SHTT) - Tác động tiêu cực từ đòn trừng phạt nặng nề của phương Tây không chỉ xảy ra ở Nga. Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga cũng đang “ngồi trên đống lửa,” buộc họ phải đưa ra quyết định tháo chạy khỏi thị trường nước này.

Giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine đang ngày một nóng, các thị trường tài chính của Nga đã “rung chuyển”. Thị trường chứng khoán và tiền tệ của nước này đã sụt giảm mạnh trong tuần, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở một chiến dịch quân sự tại Ukraine.

tm-img-alt
Doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt “chia tay” thị trường Nga. Ảnh: Tập đoàn dầu khí BP.

Phương Tây siết gọng kìm kinh tế đối với Nga bằng một loạt các biện pháp, bao gồm đóng cửa bầu trời đối với máy bay Nga, cô lập nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng triển khai dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD của Moscow.

Theo Reuters, nền kinh tế Nga quay cuồng khi đồng rúp rớt giá kỷ lục từ trước đến nay khi "bốc hơi" gần 30% so với đô la Mỹ trong ngày 28/2. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% và tạm thời cấm các công ty môi giới bán chứng khoán do người nước ngoài nắm giữ.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực không chỉ xảy ra ở Nga. Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga cũng đang “ngồi trên đống lửa,” khi họ phải hứng chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây.

Hàng loạt doanh nghiệp hủy hợp đồng tháo chạy khỏi thị trường nước này. Mới đây nhất, Tập đoàn năng lượng BP, Ngân hàng HSBC và Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap đã điền tên vào danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp châu Âu muốn "chia tay" thị trường Nga.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”

Chịu thiệt hại nặng nề, các công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga như “ngồi trên đống lửa,” khi họ phải hứng chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây. Điều này buộc họ phải nhanh chóng đưa ra quyết định “chia tay” đối với thị trường nước này.

BP, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, vừa bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ thoái vốn 20% cổ phần tại Rosneft (công ty dầu khí do chính phủ Nga kiểm soát) với mức giá 25 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng Anh cũng quyết định cắt giảm một nửa dự trữ dầu khí và giảm 1/3 sản lượng.

tm-img-alt
Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”. Ảnh: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Equinor, một công ty năng lượng do nhà nước Na Uy sở hữu đa số, cho biết họ sẽ bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga, còn Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy hay còn gọi là Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy cũng sẽ bán tài sản ở Nga, trị giá khoảng 25 tỷ Krone Na Uy (tương đương 2,8 tỷ USD). Tương tự, Quỹ đầu tư quốc gia Australia cũng lên tiếng rằng họ sẽ thu hẹp hợp tác với các công ty niêm yết ở Nga.

Ngân hàng HSBC cũng lên tiếng cho biết họ đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với một loạt ngân hàng Nga, bao gồm cả VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga và là một trong những ngân hàng trong diện bị phương Tây trừng phạt.

Các công ty cho thuê máy bay cho biết họ sẽ chấm dứt hàng trăm hợp đồng thuê máy bay với các hãng hàng không Nga sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với Moscow. Công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết Nga hiện có 980 máy bay chở khách đang hoạt động, cùng với 777 chiếc cho thuê và 515 chiếc thuê từ nước ngoài.

Với nguồn cung khoảng 5% đội bay cho các hãng hàng không Nga, Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap (Ireland) vừa thông báo họ sẽ ngừng cho Nga thuê máy bay. Còn đơn vị cho thuê hàng không châu Á BOC Aviation cho biết hầu hết các máy bay của họ ở Nga, chiếm khoảng 4,5% đội bay của họ, sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

tm-img-alt
Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap (Ireland). Ảnh: Sưu tầm.

Trong một động thái liên quan, hai đại gia ngành logistics thế giới mang quốc tịch Mỹ là UPS và FedEx cho biết họ đang tạm dừng giao hàng đến Nga và Ukraine.

Đối với lĩnh vực ICT, EU đã cấm cửa hai hãng thống tấn RT và Sputnik của Nga, trong khi các nhà khai thác viễn thông Canada cũng ngừng cung cấp dịch vụ kênh RT. Chưa hết, Google còn cấm cửa RT và các kênh khác của Nga nhận tiền quảng cáo trên các website, ứng dụng và video YouTube, tương tự như động thái của Facebook.

Ngoài ra, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu hôm 27/2 đã yêu cầu các giám đốc điều hành của Alphabet, tập đoàn sở hữu Google và YouTube, cấm người dùng tuyên truyền chiến tranh trong một phần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch về Ukraine.

Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề từ căng thẳng Nga-Ukraine

Đầu tiên là tại châu Âu. BASF, một nhà sản xuất hóa chất Đức và đồng sở hữu công ty sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất nước này Wintershall Dea (cùng với doanh nghiệp đầu tư quốc tế LetterOne), là một trong những đơn vị hỗ trợ tài chính cho đường dự án ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vừa bị đình chỉ.

BASF, cùng với LetterOne của tỷ phú Nga Mikhail Fridman, là một trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến khi giới quan sát điểm danh các “nạn nhân” của căng thẳng Nga-Ukraine. Được biết, 1% doanh số bán hàng của LetterOne được tạo ra tại Nga.

tm-img-alt
Nhà sản xuất hóa chất BASF. Ảnh: Sưu tầm.

Tại Vương quốc Anh, tập đoàn dầu khí BP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, với 19,75% cổ phần tại công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft. BP cũng nắm giữ cổ phần trong một số dự án dầu khí khác ở Nga.

Các hãng sản xuất công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nhất định. Hãng xe Pháp Renault có 69% cổ phần trong liên doanh Avtovaz của Nga, công ty đứng sau thương hiệu xe hơi Lada và bán hơn 90% sản lượng xe hơi tại nước này.

Tại Mỹ, ExxonMobil, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ, hiện đang sử dụng hơn 1.000 nhân viên tại Nga và đã hoạt động tại nước này trong hơn 25 năm. Công ty con của ExxonMobil, Exxon Neftegas Limited (ENL), có 30% cổ phần trong Sakhalin 1 - một dự án dầu khí tự nhiên rộng lớn nằm ngoài khơi đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga.

Trong lĩnh vực thực phẩm, McDonald\'s, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đã phân loại Nga là thị trường tăng trưởng cao và đã liên tục mở các địa điểm mới tại nước này trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, Mondelez, nhà sản xuất thương hiệu bánh Oreo và chủ sở hữu của Cadbury đã trở thành nhà sản xuất sô cô la hàng đầu ở Nga vào năm 2018.

Tại châu Á, cũng nằm trong tầm ảnh hưởng là nhà sản xuất ôtô đa quốc gia Mitsubishi. Nhà sản xuất Nhật Bản thực hiện phân phối xe Mitsubishi Motor thông qua 141 đại lý ở Nga và có cổ phần trong dự án phát triển dầu khí Sakhalin II, cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Nhật Bản. Mitsubishi cũng cung cấp thiết bị nhà máy điện và máy móc khác cho Nga.

Cùng với Mitsubishi, Toyota cũng sở hữu nhà máy ở Saint Petersburg (Nga), trong đó sản xuất xe Camry và Rav4. Toyota cũng có văn phòng kinh doanh ở Moskva và cung cấp việc làm cho khoảng 2.600 nhân viên, bao gồm 26 công dân Nhật Bản, tại nước này.

Cuối cùng là tập đoàn SBI, với ngân hàng SBI, được thành lập gần ba thập kỷ trước, cung cấp các dịch vụ và khoản vay cho các công ty Nhật Bản đang mở rộng hoạt động tại Nga.

Duy Anh

Tin khác

Thương hiệu 10 giờ trước
(SHTT) - HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Thương hiệu 10 giờ trước
(SHTT) - Với xu hướng phát triển của công nghệ chăm sóc răng, sản phẩm xịt chống sâu răng thế hệ mới Wavekids Noflo đang thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh.
Thương hiệu 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 15/4/2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành, trao tặng công trình Nhà văn hoá cộng đồng tránh lũ tại thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Thương hiệu 10 giờ trước
(SHTT) - Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Trà Vinh (BIDV Trà Vinh) vừa tổ chức gặp gỡ và trao số tiền hơn 1,5 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An) cho thân nhân khách hàng không may qua đời do tai nạn.
Thương hiệu 10 giờ trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.