Thị trường xe điện châu Âu rơi vào khủng hoảng
Ngành công nghiệp ôtô châu Âu đang đối mặt với những cơn gió ngược mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử phát triển. Không chỉ áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, xu hướng chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện đòi hỏi các nỗ lực thích ứng khó có thể hoàn tất trong một sớm một chiều, các quy định khí thải nghiêm ngặt và chế tài xử phạt càng khiến các nhà sản xuất ôtô châu Âu đối mặt với nguy cơ lớn nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
Theo đó, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang có hiệu suất hoạt động kém. Cụ thể, một số thương hiệu chính như Stellantis, Volkswagen và Mercedes-Benz đang chứng kiến mức mất thị phần đáng kể, theo báo cáo EV Tracker mới nhất của Bank of America.
Ngân hàng này cho biết các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải nỗ lực để theo kịp đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong phân khúc xe điện chạy bằng pin.
Thị phần của Stellantis giảm xuống chỉ còn 2,7% vào tháng 7, từ mức 3,6% trong quý 2/2023 và mức 4,0% của năm trước đó.
Thị phần của Tập đoàn Volkswagen giảm từ mức 7,5% trong quý 2/2023 xuống 6,6% hiện tại. Thậm chí, ông lớn Mercedes-Benz cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi thị phần giảm từ mức 2,5% vào năm trước xuống còn 1,9% hiện tại.
Có thể thấy, ngành công nghiệp ô tô châu Âu, nơi sử dụng gần 14 triệu lao động và chiếm 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU), đang đối mặt với một "cơn bão hoàn hảo". Nhu cầu ô tô đang giảm cả ở trong và ngoài nước, trong khi các nhà sản xuất ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi đầy rủi ro và tốn kém từ động cơ đốt trong sang hệ thống truyền động điện.
Tất cả những vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh Trung Quốc và các loại xe điện chất lượng cao, giá rẻ của nước này hiện đang được xuất khẩu sang châu Âu với số lượng lớn hơn.
Ủy ban châu Âu đã đặt ra các quy định khí thải nghiêm ngặt hơn cho các xe mới, theo đó từ năm 2025, các xe ôtô sản xuất mới tại Liên minh châu Âu (EU) chỉ được phép phát thải 93,6 gram CO2 mỗi km, giảm đáng kể so với mức 116 gram hiện tại. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất ôtô châu Âu, vốn đang vật lộn trước sự sụt giảm nghiêm trọng doanh số bán hàng, càng khó khăn và loay hoay tìm cách đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
Sản xuất xe điện là một cách để giảm lượng khí thải, nhưng vòng luẩn quẩn mà ngành công nghiệp ôtô châu Âu đối mặt dễ thấy ở chỗ nếu giá điện duy trì ở mức cao, chi phí sản xuất xe điện cũng sẽ tăng. Điều này có thể làm cho việc sản xuất xe điện trở nên không khả thi về mặt kinh tế, đặc biệt là khi cạnh tranh với các nhà sản xuất từ những khu vực có chi phí năng lượng thấp hơn. Vấn đề càng trở nên đáng báo động hơn sau những cảnh báo mới đây của CEO Renault Group Luca de Meo về việc ngành công nghiệp ôtô châu Âu có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 15 tỷ euro nếu không đạt được mục tiêu khí thải.
PV