Thị trường ngành giấy: Hàng giả hàng nhái chiếm tới 60 - 70%
Chiều ngày 24/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam trong việc đề nghị phối hợp với lực lượng QLTT để bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy tại Việt Nam. “Việc ký kết thể hiện sự quyết tâm của các DN trong công tác phòng chống hàng giả” Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, nhận định về thực trạng hàng giả, hàng nhái trong ngành giấy hiện nay, TS Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam - cho biết, các ấn phẩm từ giấy bị làm giả, làm rất nhiều, có địa bàn hàng giả, hoặc nhái trong ngành giấy chiếm đến 50%. Trong đó, có nhãn hàng vừa giới thiệu ra thị trường đã bị làm nhái.
Các doanh nghiệp sản xuất giấy bị làm giả nhiều nhất là Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty Xương Giang, Sông Đuống, Thuận Phát...
Theo ông Sơn, thiệt hại đến từ hàng giả, hàng nhái khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giấy chân chính bị sụt giảm doanh số vì không bán được hàng, thương hiệu bị mất uy tín, gây thất thu thuế và rối loạn thị trường; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, llãnh đạo một doanh nghiệp giấy thì khẳng định - khi tình trạng hàng giả, hàng nhái trong ngành giấy xuất hiện tràn lan, thì người dùng chính là nạn nhân trực tiếp hứng chịu hậu quả từ các loại giấy bẩn, kém chất lượng.
“Đối với ngành giấy, hàng giả, hàng nhái chiếm 60-70% trên thị trường, thậm chí có nhà phân phối bán các sản phẩm giấy, ban đầu bán sản phẩm thật, sau đó trộn thêm hàng giả để kiếm lời.
Điều này rất nguy hiểm, làm mất niềm tin của người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giấy chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, DN không thể tự mình thực hiện hoạt động nghiệp vụ chống hàng nhái, hàng giả trong ngành giấy. Việc phối hợp với Tổng cục QLTT thực sự cần thiết, nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm và gian lận thương mại. Nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác QLTT lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong ngành giấy.
Việc ký quy chế phối hợp sẽ giúp Tổng cục Quản lý thị trường có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường mặt hàng giấy và các sản phẩm về giấy, đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh giấy và các sản phẩm về giấy các loại nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam có trách nhiệm thông tin cho Tổng cục QLTT về tình hình, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn mác, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh giấy và các sản phẩm giấy trên thị trường nội địa, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Bên cạnh đó, thông tin, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam liên quan đến công tác quản lý thị trường.
Định kỳ hàng năm, hai bên tổ chức các hội nghị giao ban để kịp thời trao đổi thông tin, đánh giá tình hình phối hợp và bàn định hướng hoạt động bổ sung các nội dung phối hợp phù hợp với thực tiễn thi hành và thống nhất phương hướng phối hợp kỳ tiếp theo.
“Hy vọng quy chế được ký kết và có hiệu lực thi hành sẽ giúp cho các DN trong ngành giấy và bột giấy Việt Nam phát triển bền vững” ông Việt kỳ vọng.
Hà Châu