SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Thi hành Luật Sở hữu trí tuệ: Minh bạch là yêu cầu tiên quyết

06:27, 11/09/2017
"Phải minh bạch trước khi biểu diễn và minh bạch sau khi sử dụng tác phẩm là "điểm cốt tử" khi xây dựng nghị định nhằm tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền". Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với nhóm soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Rất nhiều câu hỏi đã được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra, yêu cầu lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả - đơn vị thực hiện việc soạn thảo dự thảo Nghị định - phải làm rõ. Ví như, làm thế nào để thể hiện sự công khai, minh bạch trong thực thi bản quyền? Phương án giải quyết các vấn đề nóng, bao gồm việc tổ chức đại diện bản quyền thu được tiền của thành viên có hợp đồng ủy quyền nhưng không phân phối được vì lý do không liên lạc được với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan?...

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng, việc sửa đổi, bổ sung, làm rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức đại diện tập thể quyền được xác định theo hướng: Thứ nhất, công khai, minh bạch danh sách tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của tác giả ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể được khai thác, sử dụng.

Thứ hai, tổ chức đại diện tập thể quyền chỉ được thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền. Tổ chức đại diện tập thể quyền phải xây dựng biểu mức tiền nhuận bút, thù lao và đàm phán thỏa thuận giữa các bên. Thứ ba, phải xây dựng quy định về thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức đại diện tập thể, thông qua việc xây dựng và quản lý bộ cơ sở dữ liệu về tác giả, chủ sở hữu quyền, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của các tổ chức đại diện tập thể, bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định về việc thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao theo ủy quyền.

Tính đến nay, dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến của 153 cơ quan liên quan. Dự thảo gồm 7 chương, 53 điều, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng các quy định về tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả phù hợp thông lệ quốc tế.

Đáng lưu ý, dự thảo quy định với trường hợp đơn vị sử dụng tác phẩm có nhu cầu đề nghị tổ chức đại diện quyền thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất liên quan đến tác phẩm được sử dụng, Ban soạn thảo Nghị định đưa ra phương án: Tổ chức đại diện tập thể quyền "có trách nhiệm liên lạc, thông báo với tác giả, chủ sở hữu quyền về đề nghị này".

Về điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ngay lập tức chỉ ra điểm bất cập: Theo nguyên tắc, đơn vị sử dụng tác phẩm đương nhiên có nghĩa vụ phải trả tiền bản quyền. Chính họ phải chịu trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bản quyền, chủ động công khai thông tin về việc trả bản quyền chứ không thể yêu cầu tổ chức đại diện tập thể quyền "có trách nhiệm liên lạc, thông báo với tác giả, chủ sở hữu quyền". Việc xác định rõ trách nhiệm này là rất quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo Nghị định sẽ nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định cần được hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan bộ, ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để kịp trình Chính phủ xem xét trong quý IV năm 2017.

Theo Hà Nội Mới

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.