SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Hải Phòng có quá 'sốt sắng' xây dựng 'siêu thị' trường học quốc tế?

07:44, 14/04/2020
(SHTT) - Ngày 24/3/2020, UBND thành phố Hải Phòng phát công văn 2087/UBND-QH2, lấy ý kiến các Bộ về Chủ trương đầu tư dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hải Phòng thuộc Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm xã Tân Dương và xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên.

Dự án có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Công ty Nguyễn Hoàng) - doanh nghiệp được biết đến như là nhà đầu tư về giáo dục, sở hữu hệ thống đào tạo từ mầm non đến... tiến sỹ.

Dự án có quy mô diện tích 69,5 ha thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.000 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án, dự kiến trong quí II/2019 - quí I/2020 lập thủ tục đầu tư dự án; quí II/2020 - quí II/2022 triển khai đầu tư xây dựng; quý II/2022 hoàn thiện dự án, đi vào hoạt động.

hp

 Toàn cảnh Thành phố Giáo dục Quốc tế IEC - Quảng Ngãi.

Mô hình thành phố giáo dục quốc tế tại Hải Phòng dự kiến là một hệ sinh thái hoàn chỉnh giáo dục đầu tiên tại Việt Nam được Công ty Nguyễn Hoàng triển khai xây dựng từ hệ mầm non đến đại học và sau đại học với quy mô khoảng 82.000 học sinh, sinh viên. Trong đó có 16.600 học sinh, sinh viên nội trú. 

Gồm các chương trình Mầm non quốc tế SGA; Hội nhập quốc tế iSchool; Quốc tế Song ngữ UKA và Quốc tế hoàn toàn SNA; Đại học Quốc tế Hồng Bàng đào tạo các chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe; Đại học Quốc tế Hàn Quốc đào tạo các chuyên ngành thẩm mỹ, ngôn ngữ, cơ điện tử, CNTT; Đại học Nhật Bản đào tạo các ngành logistics, cơ khí, ngôn ngữ, kinh tế, hàng hải, nông nghiệp công nghệ cao...

Dự án có 5 trường Đại học, gồm Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Quốc tế Hàn Quốc, Trường Đại học Quốc tế Nhật Bản, Trường Đại học Quốc tế, và 4 trường liên cấp thuộc Công ty Nguyễn Hoàng.

Cần lưu ý, thành phố giáo dục là một mô hình đầu tư khá “lạ” tại Việt Nam, thậm chí mô hình "thành phố giáo dục" còn không tồn tại trong các văn bản pháp quy về giáo dục. Hiện, chỉ có Công ty Nguyễn Hoàng là doanh nghiệp duy nhất đầu tư vào giáo dục với mô hình này, với dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế đặt tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo nội dung công văn số 2087/UBND-QH2, có thể thấy sự “sốt sắng” của TP Hải Phòng đối với dự án này là rất lớn. Cụ thể, lý giải về tính phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của dự án, công văn này ghi rõ: Thành ủy ban hành Chương trình số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 về hoạt động của ban Thường vụ Thành ủy thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW, xác định đến năm 2025 có từ 02 trường liên cấp Quốc tế, 01 trường Quốc tế trở lên, đến năm 2030 có từ 03 trường liên cấp Quốc tế, 02 trường Quốc tế trở lên. Và, mục tiêu của dự án này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của Hải Phòng và quy hoạch Kinh tế - Xã hội.

hp 1

 Văn bản của UBND Thành phố Hải Phòng về việc chủ trương đầu tư dự án Thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng thuộc Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Cũng văn bản này cho biết, Công ty Nguyễn Hoàng nộp đề nghị thực hiện dự án và hồ sơ kèm theo vào ngày 22/11/2019. Tức là khoảng 4 tháng trước khi Thành ủy thành phố ban hành Chương trình số 76-CTr/TU. Tuy nhiên, thực tế, trước thời điểm 08/7/2019 (ban hành chương trình 76-CTr/TU) và 22/11/2019 (nộp hồ sơ đề nghị đầu tư) rất lâu, giữa Công ty Nguyễn Hoàng và TP Hải Phòng đã liên tục có các cuộc làm việc bàn thảo về dự án này. Nói cách khác, dự án của Công ty Nguyễn Hoàng chính là "sản phẩm" đầu tiên của Chương trình số 76-CTr/TU do Thành ủy Hải Phòng ban hành.     

Về quy hoạch xây dựng, theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Bắc sông Cấm được Hải Phòng phê duyệt từ tháng 11/2011, khu đất dự kiến triển khai dự án của Công ty Nguyễn Hoàng được quy hoạch là đất hành chính, công cộng thương mại dịch vụ đa chức năng… Chức năng đất cho giáo dục được Hải Phòng bổ sung tại Quyết định số 1675/QĐ-UBND ngày 16/8/2016.

UBND TP Hải Phòng cho biết, việc thực hiện dự án của Công ty Nguyễn Hoàng không làm thay đổi tính chất sử dụng đất tại khu vực này và cũng đã được Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đồng ý chủ trương tại văn bản số 908-TB/TU ngày 29/10/2019, số 3813/VP-QH2 ngày 01/11/2019.

Cần lưu ý, Quyết định số 1675/QĐ-UBND (ban hành 16/8/2016) đã đưa chức năng giáo dục vào khu vực có quỹ đất để xây dựng trụ sở các sở ban ngành của thành phố, đất cây xanh, mặt nước. Như vậy, câu hỏi đặt ra là phải chăng “ngẫu nhiên” việc đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất để thực hiện dự án tư nhân này đã được bỏ qua? 

Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt tại nghị quyết số 66/NĐ-CP ngày 25/5/2018 và Quyết định 2508/QĐ-UBND ngày 2/10/2019 được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại huyện Thủy Nguyên, thì khu vực này không nằm trong danh mục công trình, dự án thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại huyện Thủy Nguyên.

Thông tin bổ sung, cũng rất ngẫu nhiên, ngày 12/11/2019, Đại học Hàng Hải Việt Nam có văn bản số 1350/ĐHHHVN xin lùi thời gian thực hiện dự án rộng 75ha của trường trong kỳ quy hoạch sau (2020-2025), chỉ thực hiện 6,2ha, còn lại 63,8ha chưa thực hiện, do khó khăn về vốn. Phần diện tích này lại được điều chỉnh “chuyển” sang dự án Thành phố giáo dục Quốc tế, để cân đối chỉ tiêu sử dụng đất cơ sở giáo dục – đào tạo cho phù hợp với chỉ tiêu được Chính phủ phê duyệt trong kỳ 2016 – 2020.

Cần nhắc lại, Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 9/2/2017 của Bộ TN&MT quy định định mức sử dụng đất xây dựng đối với từng công trình giáo dục và đào tạo riêng biệt. Không quy định định mức giao đất về giáo dục và đào tạo liên khu vực, có nhiều cấp học. Tuy nhiên, Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND TP Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương về diện tích đất thực hiện dự án tại Thông báo số 908/TB/TU và Công văn số 3813/VP-QH2 ngày 01/11/2019. 2 văn bản này được ký trước ngày chủ đầu tư có tờ trình đúng 1 tháng.

Hiện, Hải Phòng và các địa phương lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, thậm chí là Hà Nội có số lượng trường đại học, cao đẳng, dạy nghề khá lớn. Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng vẫn khẳng định tính phù hợp dự án của Công ty Nguyễn Hoàng với quy hoạch phát triển ngành giáo dục của thành phố. 

Mặt khác, câu hỏi đặt ra là, diện tích 66,39ha đề xuất cho dự án "thành phố giáo dục" có đến 5 trường đại học có “mác” quốc tế, với 4 trường liên cấp cũng có “mác” quốc tế liệu có phù hợp với các quy định hiện hành… của ngành giáo dục hay không?

Thanh Hà

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hiệp hội bất động sản Việt Nam bình chọn Dự án của Văn Phú - Invest lọt top 5 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng năm 2024.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương, qua đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập tại các địa bàn dự án triển khai.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.