Thành phố Hà Nội 'siết chặt' vấn đề an toàn thực phẩm
Trong quá trình triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, thành phố Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và quảng cáo thực phẩm.
Tại các quận, huyện, thị xã, căn cứ vào kế hoạch triển khai của UBND thành phố, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ "Tháng hành động" năm 2023 tại các xã, phường, thị trấn. Phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra.
Kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Tại các xã, phường, thị trấn, hướng dẫn ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp. Công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng tại từng cơ sở…
Toàn thành phố đã thành lập 699 Đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đã kiểm tra 16.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt là 13.893 cơ sở, chiếm tỷ lệ 85,3%; 2.382 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra thực tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm cơ bản chuyển biến trong nhận thức về chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn khó khăn do một bộ phận cơ sở thực phẩm ý thức chưa cao trong thực hiện quy định về an toàn thực phẩm, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Về vấn đề tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, quý I-2023, các lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tăng cường lấy mẫu, giám sát tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao, như: rau, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản...
Theo đó, đã lấy 29 mẫu rau, thịt, thủy sản, hiện đã có kết quả 5/29 mẫu, 5/5 mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích. Thông qua kiểm tra tại 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; xử phạt 2 tổ chức và 2 cá nhân với số tiền hơn 54,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh… Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có rất ít trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa. Do không có kho lạnh để bảo quản thực phẩm, nên sản phẩm tươi sống thường được các nhà cung cấp giao trực tiếp đến các điểm bán lẻ nên lượng hàng vận chuyển không lớn, đôi khi còn chưa kịp thời do khoảng cách, thời gian vận chuyển, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm được giao.
Minh Hà