Thành phố Hà Nội đảm bảo an sinh xã hội linh hoạt, thích ứng, không để ai bị bỏ lại phía sau
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua đã khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch COVID-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Tất cả cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển của người dân Thủ đô, góp phần ổn định xã hội và tạo động lực phát triển kinh tế.
1. Kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thứ nhất, các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện toàn diện
Với việc thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo, Thành phố tích cực huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp; người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn 0,03%, có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Cụ thể:
Toàn Thành phố giảm được 1.456 hộ nghèo, đạt 227% kế hoạch năm 2023 (tương đương giảm 68,2% số hộ nghèo đầu năm 2023, vượt trên 02 lần kế hoạch giảm 30% đặt ra từ đầu năm). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 0,03% tổng số hộ dân toàn Thành phố, tương đương còn 690 hộ nghèo (tập trung ở khu vực nông thôn).
Tên địa bàn Thành phố hiện còn 15.835 hộ cận nghèo (trong năm giảm được 6.428 hộ), chiếm tỷ lệ 0,7% tổng số hộ dân toàn Thành phố (trong đó, tỷ lệ hộ cận nghèo nông thôn là 1,22% với 15.169 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo thành thị là 0,07% với 666 hộ). Trong năm 2023, có thêm 02 quận, huyện (Hoàng Mai, Mê Linh) không còn hộ nghèo và 2 quận không còn hộ cận nghèo (Tây Hồ, Bắc Từ Liêm). Như vậy, đến nay Thành phố có 18/30 quận huyện không còn hộ nghèo (gồm: 12 quận và 06 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Mê Linh); 05 quận không còn hộ cận nghèo (gồm: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm).
Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố đã góp phần thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Chương trình số 08 CTr/TU. Trong năm 2023, đã có 87 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 49.500 lượt người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội hàng năm là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là dịp để biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, gắn kết những tấm lòng nhân ái với các hộ nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu kết nối - chia sẻ yêu thương - không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đời sống người có công tiếp tục được nâng cao.
Hà Nội có số lượt người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng cao nhất cả nước. Năm 2023, Thành phố tiếp nhận và giải quyết 18.821 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp thường xuyên cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công với số tiền 1.913 tỷ đồng; trợ cấp một lần 217 tỷ đồng. Tổng kinh phí trong năm 2023 chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 2.348 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được được Thành phố đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND, Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND Thành phố quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công, thân nhân người có công với cách mạng và quy định mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp các ngày lễ tết, đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được nâng cao hơn. Công tác thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp lễ, tết được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Thành phố đã trao tặng hơn 2,2 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023 được 40,5 tỷ đồng. Tặng 2.334 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền trên 6,6 tỷ đồng, đạt 186,1% kế hoạch. Tu sửa nâng cấp 83 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 131,7 tỷ đồng. Vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 264 nhà ở (148 nhà xây mới, 116 nhà sửa chữa) cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 11,3 tỷ đồng. Thực hiện chế độ điều dưỡng đối với trên 60 nghìn lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí 150 tỷ đồng (trong đó, điều dưỡng tập trung đối với 17.646 lượt người với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng).
Thực hiện Nghị quyết quy định chính sách nâng cao mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng vào các dịp lễ, tết hằng năm; Nghị quyết số quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng thành phố Hà Nội, đời sống người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên. 64 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Các hoạt động thăm, tặng quà người có công với cách mạng và thắp nến tri ân, sửa sang các phần mộ liệt sĩ, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ tại trên địa bàn Thành phố đã góp phần phát huy giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
Thành phố hiện có 06 trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 46 người có công (03 mẹ liệt sỹ, 27 vợ liệt sỹ, 08 con liệt sỹ, 05 thương binh và 03 đối tượng khác) và 112 nạn nhân chất độc hóa học Dioxin. Từ năm 2023 Thành phố thực hiện điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sỹ 01 lần/năm (trước năm 2023 thực hiện điều dưỡng 02 năm/lần).
Thứ ba, công tác bảo trợ xã hội tiếp tục được thực hiện hiệu quả với mức trợ cấp trên chuẩn Trung ương quy định; chính sách trợ giúp đột xuất được thực hiện kịp thời; người cao tuổi được quan tâm, chăm lo.
Trong năm 2023, Thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 202.400 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí chi trả là 1.506 tỷ đồng; thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 2.987 đối tượng (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở bảo trợ xã hội Thành phố với kinh phí 52,5 tỷ đồng. Tiếp nhận 640 người lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội.Thực hiện trợ giúp xã hội khẩn cấp 10 vụ việc với 118 đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn, tử vong, bị thương nặng do hỏa hoạn, bị bạo hành với số tiền 1,116 tỷ đồng (tại các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Hoài Đức và các quận Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân).
Toàn thành phố có 1.078.431 người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí...). Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, người cao tuổi tròn 90 tuổi được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Thiếp mừng thọ, người tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng Thiếp mừng thọ với mức quà mừng thọ cao hơn quy định của Trung ương (Bình quân mỗi năm có gần 9.000 lượt người tròn 90 tuổi; trên 1.000 người tròn 100 tuổi; trên 120.000 người tròn 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi, 85 tuổi, 95 tuổi, trên 100 tuổi được tặng quà chúc thọ, mừng thọ; Mức quà 1,5 triệu đồng/người tròn 100 tuổi; 1,2 triệu đồng/người trên 100 tuổi; 1 triệu đồng/người tròn 90, 95 tuổi; 700.000 đồng/người tròn 70, 75, 80, 85 tuổi).
Toàn Thành phố có 116.133 người khuyết tật (mức độ khuyết tật: đặc biệt nặng: 18.905 người; nặng: 77.001 người; nhẹ: 20.227 người). Người khuyết tật được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật,đi xe buýt miễn phí, vay vốn tại Ngân hàng CSXH...). Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật được nâng cao, bản thân họ đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cho cuộc sống của chính họ và giúp đỡ gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội hòa nhập cộng đồng.
Thành phố đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại 12 cơ sở trợ giúp xã hội còn 10 cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Các cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 3.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Hướng dẫn, thẩm định, cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ngoài công lập; hiện có 14 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ngoài công lập đang hoạt động.
Thứ tư, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh thực hiện, các quyền của trẻ em được thực hiện tốt hơn; bình đẳng giới ngày càng thực chất.
Thành phố đã trao tặng quà cho 25.927 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 08 cơ sở trợ giúp xã hội với tổng kinh phí là 13,139 tỷ đồng. Trong năm 2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ xã hội đã vận động được 152 đơn vị tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố với số tiền 13,381 tỷ đồng (gồm tiền mặt 7,734 tỷ đồng và hiện vật trị giá 5,647 tỷ đồng); đã thực hiện hỗ trợ cho 10.249 lượt trẻ em với kinh phí 14,577 tỷ đồng (trong đó có tặng quà cho 850 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của 05 tỉnh: Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang với kinh phí 1,11 tỷ đồng).
Hiện nay, số trẻ em của Thành phố là 1.965.319 trẻ em, trong đó có 13.097 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 27.166 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. Triển khai ứng dụng phần mềm "Người trợ lý ảo" trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi. Có 2.220 địa điểm có nguy cơ tai nạn thương tích được lắp đặt các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn. 1.361.244/1.472.740 (92%) hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các thông tin về trẻ em bị xâm hại đều được tiếp nhận, giải quyết nghiêm túc. 100% trẻ em trong các vụ việc vi phạm quyền trẻ em khi được phát hiện đều đã được can thiệp, tư vấn, trợ giúp theo quy định.
Thành phố luôn đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bình đẳng giới. Tổ chức 05 cuộc tập huấn cho 500 cộng tác viên, tình nguyện viên về Luật Bình đẳng giới, một số chính sách, chủ trương liên quan đến bình đẳng giới tại các xã vùng dân tộc, miền núi; 16 cuộc tập huấn về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 02 cuộc truyền thông cho phụ nữ khu công nghiệp về Luật Bình đẳng giới, một số chính sách, chủ trương liên quan đến bình đẳng giới tại Đông Anh, Thạch Thất. Nhìn chung, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp; bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Thứ năm, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Thành phố đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tập trung đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia. Tiếp tục đổi mới các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc chiếm 43,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 39,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội là trên 53%,
2. Một số đánh giá chung
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hà Nội tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các chính sách xã hội trên địa bàn thành phố được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Người gặp rủi ro bất khả kháng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp kịp thời. Huy động được nguồn lực xã hội để chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn... góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như:
- Mặc dù thu nhập bình quân tăng, nhưng còn chênh lệch cao giữa khu vực thành thị và nông thôn. Vấn đề nghèo đô thị đang trở nên bức xúc hơn về quy mô và mang tính đa chiều; nhiều nhóm đối tượng mới cần được quan tâm hơn như nghèo trẻ em, lao động nghèo di cư, phụ nữ nghèo, nông dân mất đất, thất nghiệp,…
- Phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội mặc dù có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, đa số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp; hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động. Trong khi các nhóm đối tượng của an sinh xã hội ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng, đa lớp, linh hoạt và đủ khả năng thực hiện những mục tiêu an sinh xã hội. Khả năng cân đối giữa nguồn lực và sử dụng của hệ thống an sinh xã hội, kể cả các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo trợ xã hội còn hạn chế và gặp thách thức lớn.
- Nhà ở cho người dân chưa được bảo đảm, đặc biệt là người di cư, công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số còn chậm, chưa hiện đại; đầu tư cho an sinh xã hội vẫn còn thấp do lĩnh vực an sinh xã hội chưa thu hút mạnh mẽ từ nguồn lực xã hội, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước với khả năng hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
3. Khuyến nghị một số giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như tiếp tục phát triển an sinh xã hội, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tích cực triển khai các nhiệm vụ Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 08/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội. Gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình này với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, địa phương.
Hai là, ban hành các chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.
Ba là, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển bền vững.
Bốn là, tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình nhà ở, phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.
Năm là, chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển hệ thống an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.
Sáu là, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bảy là, đẩy mạnh phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Biểu dương các hộ gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Đồng thời chung tay thực hiện thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo, người yếu thế có cơ hội thay đổi và có cuộc sống tốt hơn./.
ThS. Sền Thị Hiền
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Nhà báo Phạm Văn Tài
Tài liệu tham khảo:
1. Thành ủy Hà Nội (2021), Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”.
2. Ban chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy khóa XVII (2023), Báo cáo số 07-BC/BCĐ CT08 ngày 07/02/2024 kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025” năm 2023.
3. UBND Thành phố Hà Nội (2021), Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 08/9/2021,về việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (2024), Báo cáo số 351/BC-SLĐTBXH ngày 23/01/2024 về Đánh giá kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Xổ số miền nam thứ 5 trực tiếp