Thành Lâm - Bá Thước: Chuyển mình từ hướng đi mới
Xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Người dân trước kia chủ yếu chỉ trồng trọt, chăn nuôi, nay kết hợp với làm du lịch cộng đồng, đã dần cải thiện đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cách trung tâm huyện Bá Thước hơn 10 km, Thành Lâm có tới hơn 93% diện tích đất làm nông nghiệp trên địa hình đồi núi không bằng phẳng, đồng bào dân tộc Thái chiếm 98% và từng là “xã 135” (xã đặc biệt khó khăn).
Song với “nguồn vốn” là cảnh quan thiên nhiên và ruộng bậc thang độc đáo, từ khoảng năm 2014 trở lại đây, một số hộ gia đình ở thôn Đôn trong xã đi đầu mở dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) đón khách du lịch.
Dù phát triển du lịch dựa trên những bản sắc nguyên sơ vốn có, nhưng ở Thành Lâm hầu hết các dịch vụ cơ bản như lưu trú, ăn uống đều khá đầy đủ, chuyên nghiệp và bài bản. Hiện tại, xã có 27 cơ sở lưu trú và nhiều nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ khác. Thôn Đôn là nơi tập trung các homestay và resort nhiều nhất, có thể kể đến như: Puluong Tree House, Puluong Retreat... Đặc biệt, ít có nơi nào mà hầu hết người dân đều giữ được nhà sàn truyền thống có kiến trúc độc đáo như thôn Đôn xã Thành Lâm.
Đến với xã Thành Lâm, du khách còn có cơ hội khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái như mặc trang phục truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ mỗi tối hay thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng vùng cao như: nộm rau dớn rừng, sâu măng, xôi nếp nương... Thú vị hơn cả là được nghe già làng, trưởng bản kể những câu chuyện về cách người dân nơi đây “bén duyên” với du lịch để có được cuộc sống mới tươi đẹp như ngày nay.
Du lịch cộng đồng ở Thành Lâm càng rõ nét khi Puluong Retreat được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại bản Đôn vào năm 2017. Người ta truyền tai nhau những bức ảnh về một resort cao cấp với bể bơi vô cực giữa núi rừng hoang vu. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi, rừng và những thửa ruộng bậc thang nên thơ đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến địa phương. Từ đó, người dân trong xã có thêm nghề mới - nghề làm du lịch.
Để xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, con em trong xã được đưa đi học các ngành nghề liên quan, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nhà hàng, khách sạn, nấu ăn, học ngoại ngữ... Đến nay, xã đã thành lập các đội hướng dẫn viên, đội văn nghệ, đội thêu, đội thể thao, đội xe ôm... Kể từ khi du lịch cộng đồng xuất hiện, bà con ở Thành Lâm có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau từ trong nước đến khách quốc tế. Sự e dè, ngại ngùng đã không còn hiện hữu trên ánh mắt hay cử chỉ của mỗi người thay vào đó là những lời mời chào thân thiện, mến khách. Và cũng nhờ làm du lịch, ý thức của người dân thay đổi hẳn. Bà con tự nhắc nhở nhau sửa nhà cửa, quy hoạch lại chuồng gà chuồng lợn, không thả rông vật nuôi ra đường; dọn vệ sinh chuồng nuôi gà, lợn; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường chung; trang trí lại nhà cửa sao cho đẹp và bắt mắt hơn...
Qua các năm, số lượt khách và doanh thu từ du lịch ở xã vùng núi Thành Lâm không ngừng tăng. Năm 2022, các đoàn khách du lịch tăng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch tại xã Thành Lâm nói riêng và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói chung đã để lại dấu ấn trên bản đồ du lịch nội địa. Thống kê của xã cho thấy, năm 2023, lượng khách đến tham quan trong năm đạt gần 26 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 9.300 lượt khách nước ngoài. “Nhờ vậy, các ngành dịch vụ yêu cầu lao động thường xuyên và đều đặn hơn, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động của địa phương. Đến nay, toàn xã đang có 27 cơ sở lưu trú, doanh nghiệp bên ngoài đầu tư không nhiều mà chủ yếu là người dân tự đứng ra kinh doanh. Hạ tầng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các dự án đầu tư, tỷ lệ giao thông trên địa bàn được cứng hóa 95%”, ông Đường cho biết thêm, tổng khách đến nghỉ dưỡng lưu trú từ năm 2020 đến nay đã đạt hơn 100 nghìn lượt, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động tại địa phương. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 32 triệu đồng/người. Bước đầu, thu nhập trung bình có thể còn chưa cao, song người dân có kế sinh nhai ổn định. Thanh niên trong độ tuổi lao động đã có thể ở lại quê hương lập nghiệp, các gia đình có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn, người già trong thôn có nơi nương tựa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang giàu đẹp.