Thanh Hóa: Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của đất nước, cũng là địa bàn trọng điểm về bảo đảm an ninh, ATTP của tỉnh. Bởi vậy, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được Thị ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP thị xã, các cấp, ngành của thị xã Nghi Sơn quan tâm, chú trọng và xác định đây là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội. Các vùng sản xuất rau ATTP đạt tiêu chuẩn OCOP đã được hình thành, nhân rộng và phát triển. Hầu hết các xã, phường đã được công nhận ATTP; 100% các bếp ăn tập thể đảm bảo các điều kiện ATTP. Trong những năm qua, trên địa bàn thị xã chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể lớn.
Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, để công tác ATTP trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả, hằng năm, BCĐ về quản lý vệ sinh ATTP thị xã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP với nhiều hình thức phong phú; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể ở địa phương. Trong đó, tập trung các đợt cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Việc kiểm tra, xử lý ATTP được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, từng bước ngăn ngừa hành vi vi phạm các điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nhiều tổ chức, cá nhân đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nhận thức của người dân trong sử dụng, tiêu dùng thực phẩm ngày càng nâng cao.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả hơn đối với công tác quản lý ATTP, sự tham gia phối hợp của các cấp, ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP. Qua các cuộc điều tra xã hội đánh giá về người dân và các nhà quản lý cho thấy, kiến thức, thái độ, thực hành bảo đảm chất lượng ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm có cải thiện rõ rệt. Nhiều vùng sản xuất rau, quả an toàn, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm ATTP; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao được hình thành và nhân rộng giúp người dân trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận với nhiều thực phẩm an toàn; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Trong quý I/2024, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 615 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP; tổ chức kiểm tra trên 13.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 630 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu đó là: Kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; điều kiện trang thiết bị dụng cụ sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt yêu cầu; không thực hiện lưu mẫu thức ăn và kiểm thực ba bước; sử dụng phụ gia, chất bảo quản thực phẩm ngoài danh mục cho phép...
Công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện. Trong quý I, toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 927 mẫu thực phẩm, phát hiện 19 mẫu vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: việc tăng cường nguồn lực, phân bổ kinh phí hằng năm cho thực hiện công tác ATTP ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu đối với công tác đảm bảo ATTP trong tình hình hiện nay; hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa đảm bảo tính răn đe; vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm, không tuân thủ thời gian cách ly, ngừng sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng trước khi thu hoạch...
Trước tình hình trên, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 đã được triển khai với chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Tháng hành động nhằm tạo đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, trong thời gian từ ngày 15/4/2024 đến ngày 15/5/2024, có nhiều hoạt động hưởng ứng tháng hành động được triển khai trong toàn tỉnh, như: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP... Để tháng hành động nói riêng và việc đảm bảo ATTP nói chung đạt hiệu quả cao, rất cần có sự vào cuộc của hệ thống cơ quan quản lý các cấp, sự tích cực, chủ động, tự giác chấp hành các quy định Luật ATTP của những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết về ATTP, quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng thực phẩm.
PV