Thanh Hóa: Chất lượng dịch vụ du lịch luôn được trú trọng
Xét về tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, thì thị xã Nghi Sơn có lẽ là cái tên được “xướng” đầu tiên. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã đã ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng vào việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn; hệ thống các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô lớn; hệ thống các khu vui chơi giải trí đồng bộ, hiện đại, chất lượng để phục vụ nhiều đối tượng du khách.

Du lịch bản Mạ tại thị trấn Thường Xuân
Theo thống kê, toàn thị xã có 108 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 23 khách sạn từ 1 - 2 sao và có 78 nhà nghỉ đảm bảo nhu cầu phục vụ khách du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thị xã đã đổi mới phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, như: kết hợp hài hòa giữa dịch vụ ăn, nghỉ, các loại hình dịch vụ bổ sung khác (cho thuê hội trường, hát karaoke...). Từ đó, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch nghỉ ngơi, lưu trú, tiêu biểu phải kể đến một số khách sạn như, Khách sạn Xanh Hà ACB, Khách sạn Ngọc Linh, Khách sạn Đại Dương, Hải Hòa Garden Hotel...
Ngoài ra, thị xã đã ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng các khu, điểm du lịch trong đó tập trung tại khu du lịch biển Hải Hòa, chú trọng đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước tại khu du lịch. Hàng năm, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Nghi Sơn hấp dẫn, an toàn, thân thiện... Cũng nhờ việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ nên những năm qua lượng du khách tìm đến Nghi Sơn để tham quan, lưu trú ngày càng tăng.
Tại huyện Thường Xuân, ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Những năm gần đây “ngành công nghiệp không khói” của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, huyện đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút du khách. Trong những năm qua huyện đã thu hút đầu tư được nhiều dự án phục vụ phát triển du lịch như, dự án Nông trại Golden Cow tại xã Lương Sơn; dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam nằm trên một phần địa phận xã Thọ Thanh; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Ngoài ra, một số dự án hạ tầng quy mô nhỏ từ chương trình phát triển du lịch đã được triển khai thực hiện, như: Đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại khu, điểm du lịch như, khu vực thác Thiên Thủy, bản Mạ, bến thuyền Hồ Cửa Đạt, đền Cửa Đạt với tổng số vốn hơn 2 tỷ đồng (được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là chủ yếu); hệ thống đường điện, xây dựng đường giao thông đến các điểm du lịch... Cùng với đó, một số dự án cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trong huyện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng như: Đường từ bản Mạ vào thác Sao Va; đường vào đền thờ Cầm Bá Thước; dự án cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Vịn (xã Bát Mọt); dự án cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Tiến Sơn 1 (thị trấn Thường Xuân)...
PV
TIN LIÊN QUAN
-
Thanh Hóa: Cảnh giác trước chiêu trò giả danh công chức Quản lý thị trường
-
Thanh Hóa: Phạt nặng 2 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng
-
Cục QLTT Thanh Hóa đạt nhiều giải cao trong Hội thao ngành Công thương chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
-
Thanh Hóa: Xử phạt 377,5 triệu đồng đối với 03 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức giả mạo nhãn hiệu
Tin khác
