Than sinh học giải pháp cho nông nghiệp xanh tỉnh Thừa Thiên Huế
Vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện dự án KH&CN “Xây dựng mô hình nông hộ sản xuất than sinh học (biochar) từ phụ phẩm nông nghiệp và ứng dụng trong canh tác cây trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì thực hiện.
Theo đó, than sinh học là vật liệu giàu các bon được sản xuất từ các vật liệu hữu cơ hoặc chất thải hữu cơ qua quá trình hoá nhiệt (nhiệt phân). Than sinh học được đánh giá cao và sử dụng nhiều bởi nó là vật liệu chứa các bon cao, diện tích bề mặt lớn, khả năng trao đổi cation, khả năng hấp thụ phân bón và có cấu trúc ổn định.
Trong canh tác cây trồng, than sinh học có tác dụng cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua việc tái chế bền vững chất thải sinh học. Các thuộc tính có lợi của của sản phẩm này như: PH, kiềm, khả năng trao đổi cation cao, các nhóm chức bề mặt phong phú, diện tích bề mặt lớn, độ xốp rỗng cao, khả năng giữ nước tuyệt vời và khả năng giữ chất dinh dưỡng có thể giúp khắc phục các yếu tố bất lợi ảnh hưởng trong hệ thống đất, thực vật.
PGS.TS. Đỗ Minh Cường - Chủ nhiệm dự án - cho biết đơn vị đã tiến hành điều tra về tình hình sử dụng phụ phẩm từ cây lúa và một số cây trồng khác. Kết quả điều tra cho thấy trên 80% lượng rơm rạ, các loại sinh khối khác từ cây lạc, cây ớt... được đốt bỏ, sản lượng trấu khá lớn nhưng các hộ dân không có nhiều nhu cầu sử dụng.
Quá trình điều tra cũng cho thấy rằng chưa có nông hộ nào áp dụng thiết bị tân tiến để sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp và chưa triển khai ứng dụng trong canh tác cây trồng. Chính vì vậy, công nghệ và thiết bị đã ứng dụng trong dự án đã thúc đẩy việc tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất và bón lại cho đất để cải tạo đất trồng.
Đặc biệt, quá trình thử nghiệm thực tế cho thấy, các mô hình đã mang lại hiệu kinh tế khi sử dụng than sinh học trong canh tác cây lúa, lạc, ớt, rau má so với phương pháp canh tác truyền thống là 6,0 - 7,3 triệu đồng/ha, 9,36 triệu đồng/ha, 34,00 triệu đồng/ha và 3,7 đồng/ha. Mặc dù đầu tư ban đầu khá cao cho việc chế tạo thiết bị, tuy nhiên năng suất cây trồng cao hơn rõ rệt.
Đến nay, công tác chuyển giao công nghệ đã được thực hiện thông qua việc xây dựng các mô hình điểm, tập huấn, trình diễn, hội nghị, hội thảo và quảng bá mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt và thực hiện. Đồng thời giúp người dân nhận thức được tác hại do việc đốt rơm rạ, trấu trực tiếp gây ra.
Phan Hòa