SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Tham nhũng vì không kiểm soát được tài sản!

09:28, 24/09/2017
Các quốc gia đang phát triển bị đánh cắp từ 20 đến 40 tỷ đô la Mỹ mỗi năm bởi tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ.

Án lớn nhưng hiệu quả thu hồi tài sản thấp

Sáng 21-9, Ban Nội chính Trung ương và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng”.

“Án thì rất lớn nhưng hiệu quả thu hồi tài sản hiện nay rất thấp, cực thấp” là bình luận của PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND TC. Là người có nhiều năm làm công tác xét xử, nguyên Phó Chánh án TAND TC cho rằng để thu hồi tài sản tham nhũng thì các tội Tham ô, Nhận hối lộ phải quy định phạt tiền, tịch thu một phần tài sản phải là phần hình phạt bắt buộc. Trong thu hồi tài sản, có những lý do khách quan mà không thể xử lý hình sự như quá trình điều tra bị can chết, vụ án được đình chỉ, hoặc người phạm tội bị mắc bệnh tâm thần, nhưng tài sản tham nhũng vẫn còn đấy, thì phải bằng biện pháp phi hình sự để thu hồi lại.

PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng, cần có các quy định cho phép theo dõi biến động của tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, mà trước hết là người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời, có lộ trình nghiên cứu khả năng kiểm soát thu nhập của toàn xã hội. “Trước mắt, các giao dịch lớn như mua bán tài sản có giá trị lớn, chuyển nhượng bất động sản, mua cổ phiếu, góp vốn đầu tư… bắt buộc phải được thực hiện qua tài khoản tín dụng”, ông Độ nói và cho rằng, đây có thể là giải pháp bền vững để kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức. Đồng thời, nên có một tổ chức chống tham nhũng đủ sức mạnh, quyền lực như Ủy ban chống tham nhũng ở một số quốc gia.

1

 Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền: “Cần tổng điều tra và kê khai tài sản toàn dân”

Pháp luật đang “quên” cơ chế kiểm soát PCTN

Nhiều lý do được các chuyên gia pháp lý đưa ra để lý giải về việc tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa như mong đợi. Đó là Bộ luật Hình sự chưa có quy định về tội phạm mà trong đó tham nhũng có thể “ẩn nấp” như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn. Đó còn là chưa có quy định xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc một cách vô lý; các hình thức xử lý vi phạm đối với người kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý còn nhẹ, chưa mang tính phòng ngừa và răn đe… Nguyên Phó Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cũng đưa ra 9 nguyên nhân khiến việc PCTN cũng như thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế trong đó có nguyên nhân quy định của pháp luật còn thiếu cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục thu hồi, chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

“Chúng ta quá kỳ vọng vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản, nộp lại quà tặng, minh bạch liêm chính… mà quên mất cần có cơ chế kiểm soát những thiết chế này. Chỉ khi có cơ chế kiểm soát thì người ta mới không muốn, không dám, không thể tham nhũng”, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhìn nhận.

Chúng ta không kiểm soát được tài sản của dân, cán bộ công chức và cả những người có chức vụ. “Không kiểm soát được tài sản thì rửa tiền, tham nhũng, tài sản dịch chuyển từ người này sang người kia trái pháp luật là đương nhiên”, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh.

Kiểm soát tài sản là biện pháp căn cơ nhất nhưng trong khi chưa thực hiện được thì ông Quyền cho rằng cần bổ sung tội danh liên quan đến tài sản bất minh, trên cơ sở đó khởi tố người bất minh về tài sản, khi không chứng minh được nguồn gốc là tịch thu toàn bộ tài sản. Đồng thời, cần tổng điều tra và kê khai tài sản toàn dân, có  mã số cho từng người và đẩy mạnh công khai, minh bạch với các yêu cầu cụ thể, chặt chẽ về nội dung, cách thức, chủ thể… phải thực hiện.

Việt Nam có nguy cơ cao bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, rửa tiền được coi là một công cụ quan trọng mà tội phạm tham nhũng sử dụng để che giấu nguồn gốc tài sản tham nhũng. Đáng quan tâm, ông Bảo nhận định, hiện nay, dù chưa có bất cứ cuộc điều tra, khảo sát chính thức nào về mức độ hay quy mô rửa tiền ở Việt Nam, nhưng xét theo các tiêu chí để xác định một quốc gia có nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền thì Việt Nam là một quốc gia có nguy cơ khá cao. Trong đó, cách thức rửa tiền phổ biến nhất là thông qua các hoạt động đầu tư vào các DN, đầu tư bất động sản, thị trường chứng khoán và thông qua các dịch vụ ngân hàng.

Theo Pháp Luật Xã Hội

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 4 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).