SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Thái Bình: Bắt giữ hơn 9.500 sản phẩm vi phạm nhãn hàng hóa

10:00, 14/02/2023
(SHTT) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình mới đây đã bắt giữ 9.548 sản phẩm thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại vi phạm quy định về nhãn hàng hoá.

Theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), hôm 10/02/2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định xử phạt 9.548 sản phẩm thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại vi phạm về nhãn hàng hoá với số tiền 11 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 9/2/2023, sau khi xác nhận tin báo từ quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 1 phối hợp với đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình tiến hành khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải, mang biển kiểm soát 17H - 00308, do ông Hoàng Văn Tế, sinh năm 1973, trú tại xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là lái xe.

z4095909916617_bc770a3907ab980fe55d891a8cdb8bfb

 

Tại thời điểm khám, trên xe vận chuyển 9548 sản phẩm gồm phụ kiện thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại.

Qua kiểm tra, tổ công tác xác định toàn bộ số hàng trên xe vi phạm về nhãn hàng hoá. Giá trị ước tính của lô hàng vi phạm là hơn 70 triệu đồng.

Trước những sai phạm nêu trên, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trên và ban hành quyết định xử phạt với số tiền 11 triệu đồng.

Những quy định cần biết về nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa là gì?

 Tại nghị định 43/2017/NĐ-CP, khái niệm về nhãn hàng hóa được quy định như sau: Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định Số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi.

Các loại nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa gồm có 2 loại là nhãn hàng gốc và nhãn hàng phụ:

Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

Co-duoc-dan-nhan-phu-de-len-nhan-chinh-cua-hang-hoa-nhap-khau-1

 

Các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Theo Nghị định Số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của chính phủ về nhãn hàng hóa thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

- Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

+ Tên hàng hóa;

+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa.

- Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

- Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:

+ Tên hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa.

+ Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

- Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều này bằng phương thức điện tử.”;

+ Tên hàng hóa;

+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa;

Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa

Căn cứ Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì có một số hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trong các trường hợp:

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;
  • Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
  • Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa
  • Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
  • Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt đối với hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa

Tùy theo từng hành vi và giá trị hàng hóa mức phạt có thể từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra còn có một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi sản phẩm, buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa có nhãn hàng hóa vi phạm.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Gia Bình tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ SHTT với hình thức Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Tỏi một nhánh Gia Bình”.
Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ đã chính thức cấp cho Apple tổng cộng 46 bằng sáng chế. Nổi bật nhất trong số đó là sản phẩm kính thông minh.
Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
Công ty Cổ phần La Vo bị xử phạt hơn 70 triệu đồng vì sản xuất sản phẩm mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối đơn kiện của hãng dược phẩm Vanda để khôi phục bằng sáng chế cho thuốc chống rối loạn giấc ngủ Hetlioz của họ. Điều mà trước đó đã được xác định là không hợp lệ trong một cuộc tranh chấp với các công ty sản xuất thuốc gốc Teva và Apotex.