SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Tết đến, nỗi lo thực phẩm bẩn

12:11, 06/01/2014
Thị trường TPHCM bắt đầu sôi động với nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Giáp Ngọ. Theo lực lượng Quản lý thị trường TPHCM, ngoài những mặt hàng trong nước, hàng nhập khẩu, thậm chí nhập lậu, cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) rất đáng quan ngại.

Dội chợ thực phẩm “3 không”

Xử phạt lên tới 200 triệu đồng

Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức thay vì 15 triệu đồng như trước đây.

Dạo một vòng các chợ đầu mối thực phẩm tại TPHCM mới thấy hàng hóa tết đã dồn dập đổ về các đại lý, sạp phân phối. Nổi bật là các loại bánh, kẹo, mứt, lạp xưởng, hạt dưa. Ghé qua các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) hay Bến Thành (quận 1), nhiều loại thực phẩm phục vụ tết đã được bày bán trông đẹp mắt, hấp dẫn.

Một chủ sạp ở chợ Bình Tây cho biết từ giữa tháng 12-2013 đến nay ngày nào cũng đóng một xe tải bánh kẹo, mứt cho các đại lý ở các tỉnh. Khi chúng tôi hỏi mua sỉ các loại mứt về bán lại, bà chủ sạp chìa ra một loạt nào mứt sen, mứt dừa, mứt trái cây sấy… được nhuộm đủ thứ phẩm màu. Hầu hết các loại mứt được gói trong các bịch ni lông với trọng lượng 0,5kg hoặc 1kg với “3 không”: không nhãn mác xuất xứ, nguồn gốc, hạn dùng.

Khi chúng tôi thắc mắc liệu những loại mứt này có được kiểm nghiệm ATTP, một bà chủ sạp kế bên lớn tiếng: “Hàng thủ công, làm tay ở cơ sở nhỏ thì có chứng nhận gì chứ?”.

Không chỉ thực phẩm trong nước, rất nhiều loại bánh, kẹo, mứt có xuất xứ từ Trung Quốc màu sắc sặc sỡ cũng được bày bán khá phong phú. Theo quan sát, những loại thực phẩm này đều có nhãn tiếng Trung Quốc mà không hề có nhãn phụ tiếng Việt nên rất khó biết được thành phần chất lượng ra sao. Cùng với đó, các loại lạp xưởng, xúc xích, hạt dưa, hạt bí cũng ùn ùn đổ về các chợ thực phẩm.

Tại chợ An Đông, nhiều cửa hàng đã ngồn ngộn thực phẩm phục vụ tết, trong đó đa dạng nhất là các loại lạp xưởng treo lủng lẳng từng chùm ngay trước các quầy hàng. Nhưng kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc sản xuất thì hầu hết đều không có hoặc nếu có chỉ là một miếng giấy bé tẹo ghi lạp xưởng của cơ sở X, Y… sản xuất được dán lên trên bao bì.

Vấn đề đáng ngại hơn là phụ gia thực phẩm cũng được sử dụng nhiều cho các loại thực phẩm tết. Để có mứt đẹp, hạt dưa đỏ mọng, người chế biến không ngại cho thêm các phụ gia, hóa chất độc hại. 

Trong vai chủ cơ sở chế biến lạp xưởng, chúng tôi ghé qua chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) hỏi mua phụ gia để lạp xưởng vừa ngon vừa để được lâu, bà chủ sạp C.T. lấy ra một bình 5 lít không nhãn mác mà chỉ ghi bằng bút lông nguệch ngoạc “Hương thịt heo”. “Cứ 10kg lạp xưởng, xúc xích, cho 1 muỗng cà phê phụ gia này vào, ngọt lừ mùi thịt heo mà để vài tháng không mốc” - bà bán hàng nói.

Hỏi mua hóa chất để dự trữ thịt heo, bò, giò chả và cả nội tạng chế biến phục vụ mấy ngày tết sắp tới mà không hỏng, nhiều cửa hàng cũng chào mời đủ loại, kể cả formol, hàn the…

Quyết liệt xử lý

Liên tục trong tuần qua, cơ quan kiểm dịch thú y huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức (TPHCM) phát hiện nhiều vụ vận chuyển thịt thối vào TPHCM. Một cán bộ kiểm dịch thú y quận Thủ Đức cho biết đang là mùa cao điểm các loại thịt tuồn về TPHCM để chế biến thực phẩm, trong đó phần lớn là các loại mỡ, bì để sản xuất lạp xưởng, xúc xích, nhân bánh tét, bánh chưng…

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATTP TPHCM, tình trạng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... đang gia tăng. Chi cục đã lên kế hoạch kiểm tra và đang ra quân xuống cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm kiểm tra thực tế. 

Trước tình trạng trên, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP Trung ương đã chỉ đạo Bộ Y tế làm đầu mối triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát ATTP dịp tết. TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP, cho biết Bộ Y tế đã lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Trung ương và địa phương kiểm tra, thanh tra các vi phạm về ATTP.

“Quan điểm của cục và Bộ Y tế là tăng cường kiểm tra và quyết liệt xử lý cơ sở vi phạm, thậm chí công bố công khai trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết mà tránh” - TS Nguyễn Thanh Phong nói. 

Để đảm bảo công tác ATTP dịp tết, Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản.., các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề truyền thống, các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP và quảng cáo thực phẩm.

Ngoài ra, còn chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.