SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Tết ấm cúng với bánh khô mè Cẩm Lệ

12:31, 20/01/2023
Bánh khô mè còn gọi là bánh "bảy lửa" dần "thoát kiếp" than củi để nghề truyền thống phường Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) ngày càng vươn xa. Mỗi khi mai đào chớm nụ, nhìn loại bánh dân dã mang thương hiệu bánh khô mè Cẩm Lệ là những người con xa quê biết Tết sắp đến mà tìm về cố hương.

Theo các bậc cao niên, "chiếc nôi" bánh khô mè Đà Nẵng ở làng Thị An, xã Hòa Lân (huyện Hòa Vang). Nay, Đà Nẵng có nhiều làng nghề, nhưng bánh khô mè truyền thống ở Cẩm Lệ chính gốc nổi tiếng có cơ sở sản xuất Bà Liễu Mẹ là nơi lưu giữ trọn vẹn nghệ thuật chế biến, tạo nên món quà ngọt ngào cho đời.

Thức quà nặng nghĩa vợ chồng

Giữa tiết trời tháng Chạp se lạnh, mùi hương của mè cùng quế Trà My phảng phất ấm cả gian xưởng Bà Liễu Mẹ đường Ông Ích Đường (phường Hòa Thọ Đông). Cận Tết, công nhân ở đây ai cũng tất bật hơn. Anh Huỳnh Đức Sol – truyền nhân của bánh khô mè Bà Liễu Mẹ - kể: "Bánh khô mè xuất hiện từ thế kỷ XIX do người phụ nữ họ Huỳnh làm để tiễn chồng ra Kinh thành Huế thi".

Ngày xưa, học trò xứ Đà, xứ Quảng lều chõng đi thi phải đi bộ nhiều ngày. Thương chồng vất vả lại đi đường dài, người vợ lấy nông sản sẵn có trong nhà sáng tạo loại bánh thật ngon cho chồng mang theo. Bao tâm tình người vợ gửi trao vào chiếc bánh nhỏ bình dị trở thành thức quà ngọt ngào, ấm áp.

Những công đoạn làm bánh công phu nhất là đan tre thành vỉ để định hình khuôn và hấp bánh. Bánh phải nướng đi nướng lại 2 lần đến giòn rụm và vàng cạnh trên than hoa. Sau đó, nấu đường tan cho đến khi có thể kéo thành sợi tơ sánh quyện, nhúng lại bánh vào nước đường và rang mè thơm rồi lăn bánh qua mè.

Cam le 1

 Anh Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mệ - luôn tâm niệm phải phát triển nghề truyền thống của gia đình, phát triển thương hiệu bánh khô mè Cẩm Lệ.

"Khô mè còn có tên là "bảy lửa" vì 7 lần qua than, củi, lửa với 7 công đoạn gian nan. Bánh có hình vuông biểu tượng của đất, mè trắng biểu tượng của trời ''ôm'' lấy nhau không rời. Bánh được dặm thêm chút gừng và chút quế Trà My gia tăng hương thơm vương vấn, khác biệt.

Đến Huế, anh học trò mời các quan viên, sĩ tử cả nước về dự thi cùng thưởng thức bánh. Một vị quan ngạc nhiên nói: "Bánh khô mè rất lạ, ăn vào đánh thức cả ngũ quan. Cảm nhận đường ngọt, bột gạo xốp, thơm hương gừng, hương quế Trà My, khi ăn nghe được tiếng rồm rộp".

Anh Sol rót trà, mời bánh và kể từ khi anh học trò đỗ đạt làm quan, mỗi dịp lễ, Tết, món bánh khô mè trở thành món đặc biệt dùng đãi khách. Nhớ phong vị bánh "bảy lửa" chỉ là chuyện nhỏ, người ta nhớ nhất không khí Tết sum vầy bên mẹ, bên cha khi làm bánh mới thật da diết.

"Mang đồ chơi về phá" và hành trình vươn xa

Bà Huỳnh chỉ dạy cho nhiều người làm bánh khô mè và lưu truyền thành nghề truyền thống như bây giờ.

Cam le 2

 Thợ làm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tất bật chuẩn bị hàng Tết Quý Mão năm 2023.

"Năm 1988, ông Huỳnh Đức Khiển – cha tôi - kế thừa nghề gia truyền và lấy vợ về Cẩm Lệ, rồi thành lập cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ này", anh Sol xúc động nói.

Bà Nguyễn Thị Khế (58 tuổi) - thợ làm bánh - gắp nhân bánh vừa nướng vàng rộm nhúng qua nước đường còn ấm nóng. Bà nhanh tay lăn nhẹ bánh vào những hạt mè trắng. Như vừa thiết kế "chiếc áo" đẹp, bánh đều cạnh, lớp mè dính chặt nhờ sự tỉ mỉ của người thợ 30 năm gắn bó với nghề.

"Trước đây làm bánh vất vả, khô mè còn gọi là bánh "khô… khổ". Giờ có máy móc hỗ trợ nên nhẹ nhàng, bánh đều và đẹp hơn", bà Khế vừa nói vừa cười rôm rả nói về bánh khô mè Cẩm Lệ.

Anh Sol nhớ năm 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế, anh gác tấm bằng cử nhân trở về nhà với bộn bề suy tư. Chứng kiến sự khó nhọc của nghề làm bánh khô mè, anh Sol một mình vác ba lô đi vào TP.HCM, miền Tây, tìm tới các cơ sở làm bánh truyền thống để học hỏi và các công ty chế tạo máy nướng đặt hàng máy móc. Nhiều công ty lắc đầu vì chưa làm máy khô mè bao giờ, có công ty đồng ý làm nhưng chi phí thử nghiệm anh phải tự bỏ ra.

Khó khăn bước đầu nhưng ông chủ bánh khô mè truyền thống 9X vẫn quyết thoát kiếp "bảy lửa" cho khô mè - "khô khổ".

“Mang chiếc máy "lạ" về lúc đó, người nhà và hàng xóm nói tôi mang đồ chơi về phá chứ làm được trò trống gì", anh Sol nói. Những "đồ chơi" đó, anh Sol tốn khoảng 500 triệu đồng chi phí đầu tư nhưng kết quả là "xôi hỏng bỏng không".

Anh Huỳnh Đức Sol kiên trì thử thêm nhiều lần. Cuối cùng, chiếc máy nướng bánh khô mè hoàn thiện, khi đưa vào ứng dụng đã giảm hoàn toàn bụi do than hoa, giúp nâng cao năng suất. "Giờ tôi còn cải tiến cả máy hấp và khâu đóng gói thay vì dùng lá khô như trước nên bánh để được lâu hơn. Hiện, Bà Liễu Mẹ sản xuất từ 3.000 – 4.000 hộp/ngày thường".

A3 kho mè

 Tất bật làm bánh khô mè phục vụ Tết Quý Mão năm 2023.

Chàng trai trẻ khoe những mẫu mã mới nhất trong số 20 mẫu sản phẩm, đặc biệt có 2 loại khô nổ và khô mè. "Khách hàng khó tính là thầy tôi đã thôi thúc tôi cải tiến không ngừng để gói bánh quê thành món quà đẹp, ý nghĩa. Chúng tôi nghiên cứu làm thêm bánh khô mè gạo lứt, bột mì, mè đen, mè trắng dành cho khách hàng quan tâm tới dinh dưỡng", anh Sol cầm hộp bánh hàm chứa câu chuyện văn hóa gắn hình cầu Rồng, Ngũ Hành Sơn biểu tượng cho TP Đà Nẵng.

Anh Lê Nguyễn Bửu Luân - du khách đến từ TP.HCM - chia sẻ: "Tôi được bạn giới thiệu đến Cẩm Lệ mua bánh khô mè. Tôi đến thử thì thấy rất ngon, đậm vị văn hóa ẩm thực Đà Nẵng". Anh vừa ăn thử vừa tấm tắc khen và mua về làm quà.

"Cả nhà tôi đều thích loại bánh này. Mỗi lần gửi quà đi xa, tôi thường chọn bánh khô mè, loại bánh phù hợp với cả trẻ nhỏ lẫn người già. Tết đến mà ăn bánh khô mè và uống trà thì rất tuyệt", bà Đỗ Thị Bích Diễm chia sẻ.

Hiện Bà Liễu Mẹ có 15 nhân công, những ngày cận Tết phải tuyển thêm 30 – 40 người mới đủ nhân lực đáp ứng đơn hàng. Sản phẩm còn được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Top 10 món quà tặng đặc sản Việt Nam và sản phẩm đạt OCOP 4 sao, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Đà Nẵng.

Anh Sol gói từng chiếc bánh thơm ngon cho khách về quê ăn Tết. Bánh khô mè ấp ủ nhiều kỷ niệm vẫn đang đợi vận hội mới để vươn xa theo từng chuyến xe hàng ngày ngày lăn ra khỏi con dốc Ông Ích Đường, tỏa đi đến nhiều tỉnh thành khác.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông - ông Lê Văn Phước - cho biết: "Để tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống bánh khô mè, phường nghiên cứu cho mượn đất mở rộng sản xuất. Địa phương cũng có định hướng phát triển du lịch cộng đồng, đưa nét đẹp một đặc sản tiêu biểu của Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ thành sản phẩm du lịch độc đáo của TP Đà Nẵng.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề "Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' để trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - 65 bảng Anh (khoảng 2 triệu VNĐ) là con số trung bình mà mỗi công dân Anh bỏ ra hàng tháng để đóng góp cho hoạt động từ thiện trong năm 2023, tăng 40% so với năm trước đó.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định vai trò của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.