Techfest 2021: Ra mắt Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo
Tại sự kiện công bố ra mắt Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết một thực trạng, sau cấp bằng sở hữu trí tuệ, việc kết nối tổ chức và doanh nghiệp để chuyển giao, đầu tư vào sáng chế chưa được thực hiện nhiều và thường xuyên. Vì vậy cần có tổ chức lan tỏa ra cộng đồng biến các sáng chế thành sản phẩm dịch vụ cụ thể.
Ông Quất kỳ vọng, Làng Sáng chế sẽ góp phần đưa tài sản trí tuệ được đóng góp nhiều hơn, có nhiều sáng chế được thương mại hóa; giúp thế hệ trẻ tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ và lĩnh vực sáng chế.
Được biết, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo là ông Trần Giang Khuê, Phó tổng Thư ký Thường trực Hội Sáng chế Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Khuê chia sẻ: "Là một Làng non trẻ, chúng tôi mong muốn sẽ góp một phần nhỏ vào việc tổ chức thành công Techfest 2021, đồng thời tăng cường vai trò, ảnh hưởng của Hội Sáng chế Việt Nam, quảng bá hình ảnh của hội viên, nhà sáng chế, doanh nghiệp trong các diễn đàn trong nước và quốc tế".
Cũng theo ông Khuê, trong năm nay, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp khắp cả nước, những thành tựu từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo càng trở nên quan trọng, trở thành đòn bẩy, động lực chắp cánh cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Vì thế, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mang đến trong Techfest 2021 là “Đổi mới sáng tạo, chắp cánh tương lai”. Đổi mới sáng tạo là cánh cửa mở ra sự phát triển mạnh mẽ, có tính đột phá cho doanh nghiệp và đất nước. Còn quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp và đất nước mở cánh cửa để phát triển một cách bền vững.
Làng sáng chế tập trung 5 hoạt động chính: vinh danh "Ngôi sao sáng chế IPStart", tổ chức cuộc thi Giải pháp thương mại hóa sáng chế, tổ chức các hội thảo, tập huấn và triển lãm công nghệ, các kết quả được vinh danh. Mục tiêu của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là thúc đẩy phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế; xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ, gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Mới đây, Làng Công nghệ Logistics - Logistech 2021 cũng đã ra mắt với hoạt động đầu tiên là Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ Logistics đột phá” trên nền tảng trực tuyến, thu hút hơn 600 người tham dự.
Phát biểu trong Lễ ra mắt, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng làng Công nghệ Logistics cho biết: “Logistech 2021 sẽ là nơi quy tụ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các startup công nghệ trong lĩnh vực logistics. Nơi khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành và mang lại những giá trị chuyển đổi tích cực để ngành logistics Việt Nam sẵn sàng bứt phá sau đại dịch".
Ngay sau Lễ ra mắt, làng Công nghệ Logistics đã tổ chức buổi Tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của làng với chủ đề: “Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ Logistics đột phá”. Tham gia tọa đàm là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics, cùng thảo luận và chia sẻ các giải pháp ứng dụng công nghệ vào hoạt động của ngành để bảo vệ chuỗi cung ứng trọng yếu của nền kinh tế.C ác chuyên gia trong buổi tọa đàm đều đồng tình rằng nếu chúng ta ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ vận tải, giải pháp giúp kết nối các bên như chủ hàng, chủ xe, lái xe, các nhà phân phối và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng; thì hoàn toàn có thể tạo nên những hiệu quả tốt hơn giữa thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nhân sự ngành logistics, vấn đề phát triển chuỗi cung ứng bền vững cũng được các chuyên gia thảo luận sôi nổi với những ý tưởng xoay quanh việc sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch cho xe vận tải, các giải pháp vừa bảo vệ môi trường - vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Hương Mi