SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Tập đoàn Hà Đô: Lĩnh vực bất động sản đang dần suy yếu, loạt dự án đang triển khai 'có vấn đề'

06:08, 07/04/2021
(SHTT) - Mặc dù sở hữu quỹ đất khá lớn nhưng nhiều dự án bất động sản của Tập đoàn Hà Đô đang trong tình trong tình trạng “bất động”, phải kể đến dự án Hado Charm Villas chậm tiến độ hàng chục năm hay một số dự án khác như Hado Green Lane, Hado Minh Long vẫn đang giải phóng mặt bằng.

Bất động sản suy yếu, dự báo doanh thu giảm mạnh

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 của Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG), doanh thu hợp nhất quý 4/2020 của HDG đạt 1.168 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,6% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế cả năm đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 15%.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 3.115 tỷ đồng, tăng 356 tỷ đồng so với con số 2.759 cùng kỳ năm 2019. Một số lĩnh vực như thủy điện và điện mặt trời của Hà Đô đạt 786 tỷ đồng, doanh thu xây lắp đạt gần 775 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu, có thể thấy bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp theo đến mảng năng lượng và hoạt động xây lắp.

Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect, đơn vị này nhận định từ năm 2021, đóng góp mảng bất động sản vào kết quả kinh doanh của Hà Đô sẽ giảm mạnh do đã bàn giao gần hết căn hộ mở bán trước đó và các sản phẩm dự kiến mở bán của doanh nghiệp không thuận lợi ra thị trường trong giai đoạn này.

“Chúng tôi dự phóng doanh thu mảng BĐS năm 2021 sẽ đạt 2.011 tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc bàn giao 210 căn còn lại của dự án Hado Centrosa và 130 căn của dự án Charm Villas” báo cáo của VNDirect cho nhận định.

Cũng theo VNDirect, trong năm 2021, HDG có kế hoạch mở bán 2 dự án BĐS dân cư là Green Lane (quận 8, TP.HCM) và Hado Minh Long (TP Thủ Đức, TP.HCM), “tuy nhiên, do thủ tục pháp lý của các dự án trên vẫn chưa được hoàn thiện, chúng tôi tạm thời chưa bổ sung các dự án này vào mô hình dự phóng kết quả kinh doanh năm 2021 – 2023”.

Như vậy, hoạt động kinh doanh bất động sản của Hà Đô đang dần suy yếu và không được chú trọng như trước. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2019 doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh sang mảng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đó, từ năm 2020, Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện.

Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỷ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020-2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỷ đồng).

Kết thúc năm tài chính 2020, tổng tài sản của Hà Đô ở mức 14.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, hàng tồn kho giảm 49% so với đầu năm về hơn 1.642 tỷ đồng, chủ yếu do giảm bất động sản đang xây dựng (từ 2.975 tỷ đồng về 1.542 tỷ đồng).

Có thể thấy, từ năm 2018, khoản mục bất động sản đang xây dựng của Hà Đô suy giảm đáng kể. Cuối năm 2018 con số này là 3.797 tỷ đồng, đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 2.782, và cuối năm 2020 chỉ 1.542 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, khoản mục bất động sản đang xây dựng của Hà Đô giảm mạnh.  

Đáng chú ý, chi phí xây dựng dở dang của Hà Đô ghi nhận hơn 4.467 tỷ đồng. Trong đó phần lớn tập trung tại 2 dự án thủy điện là Thủy Điện Dắc Mi (gần 2.473 tỷ đồng) và Thủy điện Sông Tranh 4 (hơn 1.221 tỷ đồng).

Doanh nghiệp không còn ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án Hà Đô Centrosa Garden từ quý 3/2020.

Có thể thấy, sự tăng tốc đầu tư của Hà Đô trong năm qua không được ưu tiên cho các dự án trong lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, sản phẩm bất động sản của công ty đang giảm mạnh, cho thấy tín hiệu đang dần suy yếu của lĩnh vực từng được coi là “trụ cột” về doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp này…

Quỹ đất “khủng”, các dự án đang triển khai "có vấn đề"

Dù bất động sản đang dần "lép vế", nhưng Hà Đô cũng đã xây dựng thương hiệu trên thị trường bất động sản với hàng loạt dự án bất động sản nhà ở như: Dự án 183 Hoàng Văn Thái (2009), Dự án Nguyễn Văn Công (2010), dự án CC1 (2014), đặc biệt là dự án HaDo Centrosa (2016).

Cùng với đó, Hà Đô cũng sở hữu quỹ đất "đáng mơ ước" mà doanh nghiệp đã, đang và dự kiến sẽ triển khai các dự án lớn.

Trong đó, Hado Charm Villas (trước đây là dự án Khu đô thị mới An Khánh – An Thượng) nằm trên địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức, Hà Nội là dự án trọng điểm, được coi động lực tăng trưởng chính của Hà Đô trong năm 2021-2022.

Theo tìm hiểu, dự án được khởi công vào năm 2008, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017. Thời điểm khởi công, dự án được quảng cáo sẽ có hàng chục tòa nhà cao tầng (30 – 40 tầng), đáp ứng nhu cầu của 10 nghìn cư dân tương lai. Tuy nhiên, đến thời hạn bàn giao, KĐT này vẫn chỉ là khu đất bị bỏ hoang.

Đến năm 2018, dự án được TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, sau đó có tên là Hado Charm Villas và sẽ không còn chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng hơn 500 căn biệt thự, liền kề, nhà phố.

Cuối năm 2020, sau một thời gian dài "bất động", nhiều sàn bất động sản bất ngờ rao bán các sản phẩm tại dự án này với mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2. Mức giá này được cho là đã tăng gấp đôi so với thời điểm Hado Charm Villas mới ra mắt thị trường.

Theo báo cáo của VNDirect, trong 2 đợt mở bán đầu tiên vào tháng 12/2020 và 01/2021, dự án Hado Charm Villas đã bán 152 căn trong tổng số 528 căn biệt thự, liền kề.

Phần lớn diện tích tại dự án Hado Charm Villas vẫn đang để trống.

Hiện tại 98 căn đang được xây dựng với 20 căn đã hoàn thiện xây thô. VNDirect dự báo, dự án này sẽ đóng góp khoảng 40 - 45% tổng doanh thu của HDG trong giai đoạn 2021-2023.

Cũng liên quan đến dự án này, mới đây Báo cáo số 75/BC-UBND về kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP, Tập đoàn Hà Đô đã “bêu tên” sai phạm tại dự án này.

Theo đó, tại dự án Hado Charm Villas, chủ đầu tư chưa điều chỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vì vậy, cơ quan chức năng yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ dể được xem xét, thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Một dự án khác đang được trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, từng giúp Hà Đô tạo được "tiếng vang" trên thị trường là Hado Centrosa nằm tại số 200, đường Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10, TP HCM.

Dự án Hado Centrosa Garden từng giúp Hà Đô gây được "tiếng vang" trên thị trường BĐS.

Theo giới thiệu, dự án được khởi công vào năm 2016, có quy mô gần 7ha, trong đó khu thấp tầng có diện tích 10.628 m2, khu cao tầng có diện tích 33.660 m2. Bao gồm 8 tòa tháp cpa 30 tầng và 115 căn nhà phố liền kề.

Từ thời điểm ra mắt thị trường đến nay, các tòa tháp và khu thấp tầng của dự án lần lượt được bán ra thị trường.

Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của Hà Đô đạt lần lượt 4.999 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự án Hado Centrosa đóng góp lần lượt 62,3% và 70,7% vào doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hà Đô ghi nhận 762 căn hộ đã được bàn giao. Tính đến cuối tháng 10, tổng số căn bàn giao lũy kế đạt 2.000 căn (87% quy mô dự án).

Vì vậy, từ năm 2021 đóng góp của Hado Centrosa vào kết quả kinh doanh của Hà Đô sẽ không còn đáng kể khi đã bàn giao gần hết lượng căn hộ. Vndirect dự báo, 210 căn hộ còn lại của dự án này sẽ được bàn giao trong năm 2021.

Bên cạnh đó, một số dự án như Hado Green Lane, Hado Minh Long tại TP HCM; Khu hỗn hợp Dịch Vọng, dự án 62 Phan Đình Giót tại Hà Nội; dự án Nongtha Central Park tại Viêng Chăm, Lào cũng có quỹ đất khá lớn. 

Nguồn: Báo cáo của VCBS.

Trong đó, Hado Green Lane (tên thương mại là Bình An Riverside) được xây dựng tại 2735 Phạm Thế Hiển, Quận 8, TP HCM có quy mô hơn 2,3 ha. Dự kiến, số lượng căn hộ mở bán tại đây rơi vào khoảng 1.231 căn.

Đối với Hado Minh Long, dự án này nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Hado Minh Long có tổng diện tích 27ha với quy mô 60 căn nhà phố, 20 căn shophouse và 920 căn hộ.

Tập đoàn Hà Đô có kế hoạch mở bán 2 dự án này trong năm 2021, tuy nhiên thủ tục pháp lý của 2 dự án này vẫn chưa hoàn thiện, hiện dự án vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Tại Hà Nội, ngoài dự án Hado Charm Villas, hai dự án gồm Khu hỗn hợp Dịch Vọng và dự án 62 Phan Đình Giót tại Hà Nội cũng có quỹ đất hơn 3ha tại những vị trí địa.

Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển quỹ đất mới, Hà Đô dự kiến sẽ tham gia đấu thầu đất tại khu vực TP. Thủ Đức (TP. HCM) và Hòa Lạc (Hà Nội). Đối với lĩnh vực BĐS KCN, doanh nghiệp dự kiến sẽ kết hợp với một số đối tác phát triển KCN tại các tỉnh thành lân cận TP.HCM và Hà Nội như Đồng Nai và Hải Phòng.

Hải Lan

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trọng, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ngược lại càng thôi thúc anh đam mê lao động, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm để vươn lên làm giàu.
Kinh tế 5 giờ trước
(SHTT) - Đội chiến thắng vòng loại cấp quốc gia sẽ đại diện cho Việt nam bước vào Vòng thi chung kết Quốc tế diễn ra tại Luân Đôn vào ngày 19-20/6/2024.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Được chú trọng quy hoạch về không gian sống, từ hệ sinh thái xanh an lành đến các tiện ích thể dục thể thao, vui chơi thư giãn…, Eurowindow Twin Parks không chỉ đón đầu xu hướng sống xanh năng động mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.