SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 15/10/2024
  • Click để copy

Tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu đến địa phương ảnh hưởng bão số 3

14:50, 16/09/2024
(SHTT) - Bộ Công Thương đã ban hành Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; thương nhân, hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
cung ung hang hoa

Bộ Công thương chỉ đạo tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các địa phương ảnh hưởng bão Yagi 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giao Vụ Thị trường trong nước tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Tổ công tác tiền phương được thành lập theo Quyết định số 2421/QĐ-BCT ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về cung ứng, điều tiết hàng hoá thiết yếu tại địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.

Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 8 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng; chỉ đạo toàn bộ lực lượng Quản lý thị trường tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật...

Cục Công nghiệp theo dõi tình hình sản xuất mặt hàng công nghiệp; trong đó, chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm công nghiệp, mặt hàng sắt thép, chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phục vụ quá trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương sau bão số 3.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước rà soát nguồn cung nông sản, đảm bảo việc cân đối hài hòa giữa đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các loại nông sản từ địa phương miền Bắc sắp đến kỳ thu hoạch.

Tại công điện này, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng, chống ngập để sớm khôi phục lại vùng trồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị trong ngành điện tại địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão để huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để sớm hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống điện do bão gây ra nhằm đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

"Các thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống", Công điện nêu rõ.

Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thiết yếu, tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho địa phương; ưu tiên nguồn cung mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ.

Doanh nghiệp phân phối, rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để cung ứng mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối tại các tỉnh phía Bắc, ưu tiên cung ứng cho khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, chia cắt cục bộ bằng biện pháp và phương tiện phù hợp, đảm bảo an toàn. Không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào;

Công điện yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ. Cùng đó, vận động, giám sát, yêu cầu đơn vị kinh doanh mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… thực hiện cam kết bình ổn giá hàng hóa...

Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực, tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn.

Tại các địa phương miền núi bị sạt lở còn nhiều khu vực bị chia cắt, giao thông gặp khó khăn, đề xuất nhu cầu điều phối nguồn hàng thiết yếu qua các kênh phân phối để kịp thời cung cấp cho người dân; chủ động phối hợp các lực lượng công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, giáo dục và thương nhân kinh doanh tăng cường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến các vùng hiện đang bị chia cắt, cô lập, khó khăn, thiếu thốn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân tiêu thụ mặt hàng lương thực, thực phẩm đến kỳ thu hoạch, xuất chuồng nhưng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.

cung ung hang hoa1

Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng bão, lũ 

Cùng đó, chủ động rà soát, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về nhu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu dành cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra như bị mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ; tham mưu UBND tỉnh có phương án trợ giúp xã hội khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

cung ung hang hoa2

Người dân tìm mua thực phẩm tại một siêu thị Co.opmart ở miền Bắc 

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã và đang tập trung các nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận ở miền bắc; bảo đảm nguồn hàng, an toàn thực phẩm, giá cả không biến động; làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi lớn riêng cho thị trường miền bắc, góp phần bình ổn thị trường, ổn định tâm lý người dân. Saigon Co.op đã nhanh chóng tăng lượng hàng hóa dự trữ dành cho khu vực miền bắc gấp 3 lần so với ngày thường.

Trung tâm Phân phối miền bắc của Saigon Co.op (đặt tại tỉnh Bắc Ninh) đã được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia kíp trực, tăng ca làm việc để trung tâm hoạt động liên tục trong ngày với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe được Saigon Co.op điều chuyển từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền bắc tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Trung tâm Phân phối Saigon Co.op còn linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng trên những tuyến đường. Nhờ vậy, mặc dù một số vùng đang bị ngập úng, nhưng Saigon Co.op vẫn bảo đảm đường vận chuyển thông suốt trong cả nước đến Trung tâm Phân phối miền bắc và từ trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food.

Cùng với đó, Saigon Co.op đã tăng cường thu mua và vận chuyển mặt hàng rau ăn lá, trái cây từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn rau-củ-quả (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam…) từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ miền nam ra miền bắc.

Các nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm thì giao hàng trực tiếp đến các siêu thị Co.opmart. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát, đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của hai bên. Tại từng điểm bán, Co.opmart đã tăng giờ phục vụ, chỉ đóng cửa khi vị khách cuối cùng ra về. Nhân viên Co.opmart luôn túc trực tại các vị trí cần thiết để hỗ trợ khách hàng mua sắm thuận tiện và nhanh chóng.

Ngoài việc bảo đảm nguồn hàng, an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, Co.opmart tiếp tục thực hiện khuyến mãi để đưa các mặt hàng thiết yếu giảm giá sâu hơn nữa. Ngoài ra, tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng (ba địa phương chịu ảnh hưởng bão số 3 nặng nhất), các siêu thị Co.opmart đã dành sảnh siêu thị để người dân đến sạc điện thoại và phục vụ nước uống miễn phí.

Các nhà sản xuất, phân phối lớn khác như VISSAN, Central Retail, MM Mega Market, Wincommerce… cũng huy động cao nhất có thể các nguồn lực để tăng cường cung ứng hàng hóa cho các địa phương ở miền bắc bị ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lớn ở thành phố đã cam kết chung tay, chủ động bố trí máy móc, tăng công suất, tăng ca, tăng người làm để bảo đảm nguồn cung ứng cao nhất cho nhu cầu của miền bắc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cam kết không để thiếu hàng hóa và không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ nhằm bình ổn thị trường miền bắc; nhất là các loại thực phẩm khô, bánh và thực phẩm chế biến. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã làm việc với các hệ thống bán lẻ, đơn vị vận chuyển để đưa hàng hóa ra miền bắc trong thời gian sớm và nhanh nhất.

Theo Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), nguồn cung của VISSAN cho thị trường miền bắc không thiếu và VISSAN duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 đến 20 ngày liên tiếp. Nhà máy sản xuất của VISSAN tại Bắc Ninh cũng luôn sẵn sàng tăng ca. Hơn 110 nhà phân phối của VISSAN ở miền bắc vẫn đang hoạt động ổn định.

Các hệ thống phân phối lớn đã tăng cường các chuyến xe vận chuyển rau-củ-quả từ khu vực phía nam đến miền bắc; tăng khối lượng hàng thực phẩm dự trữ, để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, bảo đảm cung cấp đủ lượng thực phẩm tươi sống cho các địa phương ở miền bắc. Đồng thời, các hệ thống phân phối cũng cam kết không tăng giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, và còn thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá…

Hữu Phúc

  

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Kết thúc phiên giao dịch hôm 14/10, cổ phiếu Nvidia ở mức cao nhất từ trước đến nay, đưa công ty này chỉ còn một bước chân nữa là vượt qua Apple để trở thành doanh nghiệp có giá trị nhất toàn cầu.
Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 15/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực với 7 (bảy) điểm sáng, có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7% trong cả năm 2024 (kịch bản cơ sở), hoặc có thể khả quan hơn, trên 7% (kịch bản tích cực).
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, ngành nông nghiệp và các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phát triển, duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Hội thảo “Thuê tài chính – Kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, 150 nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thảo luận về các giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn hiệu quả.