SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 14/09/2024
  • Click để copy

Tân Phúc, Lang Chánh sẵn sàng về đích nông thôn mới trong năm 2024

07:32, 05/09/2024
(SHTT) - Với mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024, xã Tân Phúc (Lang Chánh) những ngày này đang sôi nổi hơn với nhiều phong trào ra quân chỉnh trang diện mạo đường làng, ngõ xóm như: treo băng rôn khẩu hiệu, trồng hoa dọc các tuyến đường...
Nong-Thon-Moi-13

Ảnh minh họa. 

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Còn 3 tiêu chí NTM, mỗi tiêu chí đã đạt trên 80%, xã phấn đấu đến tháng 10/2024 này sẽ hoàn thành, chờ thẩm định”. Có được kết quả trong XDNTM hôm nay, bên cạnh việc phát huy nội lực trong Nhân dân, địa phương cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh đến huyện và các cơ quan, đơn vị. Mới đây, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) trong chuyến hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại xã Tân Phúc, khi nắm bắt những khó khăn trong XDNTM của địa phương, đơn vị đã hỗ trợ đổ bê tông đường giao thông nông thôn; chỉnh trang khu sân vận động; sơn lại tường bao công sở UBND xã, trạm y tế, trường lớp học; lát gạch vỉa hè các tuyến đường; khơi thông hệ thống mương thoát nước; đổ bê tông sân bóng chuyền.

Nói về “hành trình” XDNTM, ông Phú khẳng định đây là một chặng đường đầy gian nan. Với xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nghèo khó, cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, trong khi nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế. Để triển khai chương trình XDNTM hiệu quả, xã Tân Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp, như kiện toàn ban chỉ đạo chương trình XDNTM và các ban phát triển thôn trên địa bàn xã. Trực tiếp phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức phụ trách theo dõi các tiêu chí để có đánh giá sát tình hình, từ đó định hướng triển khai một cách hiệu quả. Đối với các thôn, căn cứ kế hoạch của UBND xã, tổ chức nắm bắt tình hình ở cơ sở, từ đó tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Để tạo chuyển biến về kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xã Tân Phúc ưu tiên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, xã Tân Phúc tích cực trong việc kết nối để bà con có điều kiện đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế của các xã, huyện tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Chủ động kết nối để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, cũng như nắm bắt, tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi kết hợp trồng rừng, trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên địa bàn đã đem lại cho người dân nguồn thu nhập cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.

Ông Hà Đức Ngoãn, trưởng thôn Chạc Rạnh, cũng cho biết: "Thôn Chạc Rạnh là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã. Từ thôn không có điện lưới, không có đường giao thông cứng hóa, nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc cây lúa nước, cây luồng, thế nhưng khi chương trình XDNTM được triển khai, thôn Chạc Rạnh đã có điện lưới thắp sáng, có đường nhựa chạy qua. Bên cạnh đó, bà con cũng đang đầu tư nhân rộng mô hình trồng cây giang, cây mai lấy lá. Đây là một trong những loại cây trồng mới có giá trị cao, phù hợp thổ nhưỡng, đầu ra ổn định".

Khi chất lượng đời sống của người dân được nâng lên, việc huy động đóng góp XDNTM cũng đạt được nhiều kết quả. Bình quân mỗi hộ dân đóng góp XDNTM từ 1 đến 1,5 triệu đồng/năm. Từ một xã miền núi với hạ tầng giao thông khó khăn, đến nay tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa 100%; các trục đường liên thôn; đường ngõ, xóm được cứng hóa. Trong đó, năm 2023, xã đã cứng hóa được 16,8km đường bê tông; năm 2024 triển khai cứng hóa được 2,6km đường giao thông nội đồng và đường nội thôn, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Nếu đầu năm 2024, xã Tân Phúc mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí XDNTM, còn 6 tiêu chí chưa đạt (gồm, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức sản xuất; y tế và môi trường), thì đến nay, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí XDNTM. Với 3 tiêu chí còn lại, đến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập, đến nay đã có lời giải, khi địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nghề cho bà con, đồng thời phối hợp với Công ty CP Bamboo King Vina ký hợp đồng khoán sản phẩm đan lát thủ công cho Nhân dân.

PV

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Australia, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thụy Sỹ là những quốc gia đầu tiên hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đang tích cực xem xét viện trợ trên cơ sở nhu cầu thực tế của phía Việt Nam.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ban hành phương án khôi phục phương án tổ chức giao thông trên cầu Long Biên, cầu Đuống từ 15 giờ ngày 13/9.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ truyền thông địa phương, sáng ngày 12/9, 57/59 trường, với hơn 12.500 học sinh và 1.450 cán bộ, giáo viên, nhân viên trên địa bàn huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) đã trở lại trường học sau khi khắc phục cơ bản hậu quả của bão số 3.
Tin tức 16 giờ trước
100 triệu đồng là kinh phí Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức khai giảng năm học mới sẽ được chuyển cho Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Đây là bài học cần rút ra khi hạ tầng viễn thông của nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã phải chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão Yagi.