SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Tài sản trí tuệ là công cụ phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ

08:44, 09/09/2022
Ngày 8/9, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhân dịp ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO và các cán bộ của WIPO sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin liên quan đến các chính sách, chương trình của WIPO và Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ. Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) trong và ngoài nước.

Tài sản trí tuệ - công cụ phát triển kinh tế cho SME

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng tài sản trí tuệ đối với các doanh nghiệp. Việt Nam cần phát triển tài sản trí tuệ như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế. Hơn nữa, ông Hasan Kleib cũng bày tỏ sự ấn tượng số lượng hồ sơ xin đăng ký sáng chế ở Việt Nam tăng gấp 3 lần cũng như những lĩnh vực khác tăng tới 50%.

IMG_4862

 Ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO phát biểu tại hội thảo. 

“Tài sản trí tuệ không chỉ thuộc về phạm trù kỹ thuật, pháp lý mà còn là công cụ để phát triển kinh tế, tăng trưởng cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tài sản trí tuệ không chỉ dành cho công ty lớn mà còn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngày nay, tài sản trí tuệ không chỉ là bằng sáng chế mà còn là những thương hiệu, thiết kế và nhãn hiệu. Chúng ta thấy được rằng, tài sản trí tuệ không phải là điều xa vời mà chính là tài sản mọi người dùng”, ông Hasan Kleib chia sẻ.

Hiện nay, ở các nước đang phát triển, tỉ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 90%. Ở Indonesia chiếm 99,3% và tại Việt Nam con số này là 98%. Tại châu Âu, 9% các công ty sử dụng tài sản trí tuệ và tạo ra 70% tăng trưởng cho chính những công ty đó. Có thể thấy, việc sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh là điều các doanh nghiệp cần quan tâm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ong khue

 Trần Giang Khuê - Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TPHCM phát biểu Hội thảo.

Ông Hasan Kleib cũng lưu ý, nhiều doanh nghiệp nhỏ mang tâm lý “nóng vội” tạo ra sản phẩm và nhanh chóng chuyển dịch mà chưa nghĩ đến việc phải bảo vệ sản phẩm như thế nào. Nếu sản phẩm không được bảo vệ tài sản vô hình, trường hợp xấu khoảng 2 - 3 tuần sau đó sẽ xuất hiện những sản phẩm nhái đầy thị trường. Lúc này, nguồn cung tăng dẫn đến mất giá. Khuyến cáo của ông Hasan Kleib cho vấn đề trên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu được tài sản trí tuệ để bảo vệ sản phẩm của mình.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT đã nhắc đến hai nội dung quan trọng. Thứ nhất, mục tiêu của Việt Nam được xác định trong Văn kiện của Đại hội Đảng, nước ta cơ bản là nước phát triển vào năm 2045. Thứ hai, Việt Nam phải làm sao thoát khỏi thu nhập trung bình - vấn đề mà nhiều quốc gia chưa giải quyết được.

IMG_4867

 Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT nêu lên thực tế các doanh nghiệp trên thế giới có tài sản trí tuệ chiếm đến 90-95% thì Việt Nam đang ở một con số khiêm tốn.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta thấy bối cảnh của chúng ta hiện nay là bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Nói đến vấn đề Việt Nam trở thành nước phát triển hay Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập trung bình, chúng ta phải dựa vào khoa học công nghệ. Một trong các tiêu chí là chỉ số về tài sản trí tuệ được tạo ra, sử dụng và được khai thác trong thực tế bởi các doanh nghiệp”, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải thấy được sự phát triển, vận hành của hoạt động kinh doanh hiện tại. Với các doanh nghiệp trên thế giới, vấn đề tài sản trí tuệ chiếm đến 90 - 95% thì tại Việt Nam tài sản trí tuệ đang ở con số khiêm tốn. Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng nêu lên vấn đề nếu không có cách thức tiếp cận mang tính chất đột phá trong các hoạt động thì khó đạt được những mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra.

Ông Guy Pesach, Trưởng phòng SHTT dành cho doanh nghiệp, Tổ chức WIPO cũng đã trình bày tổng quan các hoạt động SHTT dành cho doanh nghiệp được WIPO triển khai trong thời gian qua. Hiện nay, tài sản vô hình chiếm tỉ trọng lớn ở nhiều doanh nghiệp với các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển.

IMG_4873

Ông Guy Pesach - Trưởng phòng SHTT dành cho doanh nghiệp, Tổ chức WIPO cũng nêu ra những hoạt động của WIPO mà thời gian tới có thể triển khai tại Việt Nam.

“WIPO nhận thấy mối tương quan trực tiếp giữa các doanh nghiệp thành công với mức độ sử dụng tài sản trí tuệ. Thực hiện khảo sát và nghiên cứu, các doanh nghiệp sử dụng hệ thống tài sản trí tuệ, họ có khả năng chống chịu trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra. Lúc này, chuỗi cung ứng bắt đầu được dịch chuyển trên không gian mạng, các doanh nghiệp sử dụng tài sản trí tuệ có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp khác”, Ông Guy Pesach chia sẻ.

Mong muốn của doanh nghiệp về chính sách Nhà nước

Trong những năm gần đây, số liệu về đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng. Đồng thời, tài sản trí tuệ ngày càng được sử dụng và khai thác hiệu quả. Ngoài sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các chính sách của Nhà nước cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.HCM nêu ra nhiều chính sách hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp của Nhà nước. Hơn nữa, năm 2022, Luật SHTT cũng có nhiều thay đổi để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

Thành công trong việc quản trị tài sản trí tuệ và thu được lợi nhuận cao từ việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ trong và ngoài nước, bà Phạm Thị Kim Loan – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Gia Thái DotorLoan đã nêu lên những lợi thế về tài chính do khai thác sản phẩm được cấp quyền sở hữu trí tuệ.

IMG_4884

 Bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch HĐTV Công ty Gia Thái DotorLoan chia sẻ những kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp trong việc quản trị tài sản trí tuệ. 

Cụ thể có các lợi thế như sau: Lợi thế cạnh tranh, chiếm khả năng cạnh tranh hàng đầu do đó khai thác thị trường tối đa, tạo nguồn doanh số cao; dòng tiền có thể thu được từ việc bán sản phẩm, cấp quyền li xăng, chuyển giao công nghệ, Franchising, bán sáng chế; huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng; quan hệ đối tác chiến lược, mua lại và sáp nhập, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và bán với giá cao hơn; đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Nhân dịp này, Chủ tịch HĐTV Công ty Gia Thái DotorLoan cũng đề xuất mong muốn của doanh nghiệp về chính sách của Nhà nước và WIPO. Bà Loan cũng đề xuất chính sách hỗ trợ vay vốn nhằm phát triển quy mô lớn cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó các sản phẩm sáng chế đã thương mại hóa và có tiềm năng thị trường lớn cũng như phục vụ cộng đồng.

IMG_4900

 Ba diễn giả từ ba góc độ khác nhau: tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã giải đáp những thắc mắc cũng như gợi ý cho các doanh nghiệp về vấn đề sử dụng tài sản trí tuệ.

Ngoài ra, trong các đề xuất các chính sách bảo vệ đối với sản phẩm được bảo hộ tài sản trí tuệ, bà Loan cũng nêu lên được vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp bị xâm phạm bản quyền có chứng minh rõ rệt thì được báo cáo lên một cơ quan chuyên trách duy nhất của Nhà nước, trong đó bao gồm các phòng Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an kinh tế. 

 Võ Liên

Tin khác

Tin tức 44 phút trước
(SHTT) - Sáng 17/4, trường Đại học Hải Phòng tổ chức lễ mít tinh chào mừng 65 năm ngày thành lập. Trước đó tại các khoa, các đơn vị cơ sở trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa như: Giao lưu văn hóa – thể thao, ngày hội hiến máu tình nguyện; hội trại thanh niên trường Đại học Hải Phòng…
Tin tức 15 giờ trước
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành một tiểu khu đô thị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Cùng với việc công bố Đề án tuyển sinh năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) đã công bố chính sách học bổng đặc biệt dành cho các thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (17/04), tại Cung triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia (Hà Nội), đã khai mạc Triển lãm quốc tế về xây dựng, công nghiệp mỏ và giao thông - Máy móc, thiết bị, công nghệ, phương tiện và vật liệu (Contech Vietnam 2024).
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Là một trong những ngành nghề đặc thù, hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, do đó, lực lượng Công an đã đồng hành cùng ngành Than trong kiểm soát thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, đảm bảo an toàn lao động.