SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Tài sản trí tuệ: Công cụ hữu hiệu giúp tăng giá trị đặc sản địa phương

07:59, 12/04/2019
(SHTT) - Các địa phương trên cả nước đã dần xác định được vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ. Từ khi có chỉ dẫn địa lý đã gia tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị từ 20% đến 50%.

Đăng ký sở hữu trí tuệ giúp tăng từ 20% đến 50% giá trị sản phẩm

Tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2019 do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc khẳng định, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế – xã hội.

Thứ trưởng nêu ví dụ, năm 1975, 500 hãng lớn nhất của nền kinh tế Mỹ có tỷ lệ tài sản vô hình trên hữu hình là 20/80 (tài sản vô hình chiếm 20%, tài sản hữu hình 80%). Nhưng cho đến năm  2015,  tức 40 năm sau, sự dịch chuyển hoàn toàn ngược lại, hữu hình chỉ còn 20%, vô hình 80%. Có thể thấy, tài sản vô hình là đặc tính của nền kinh tế hiện đại, gắn liền với các nước phát triển công nghiệp. Theo xu hướng chung của thế giới, giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại ngày càng cao.

shtt-2

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị

“Không có thương hiệu thì hàng hóa không thể bán được. Từ khi có Chỉ dẫn địa lý đã gia tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị từ 20% đến 50 %”, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh thêm.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2018, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) tăng 8,1%, trong đó đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng lần lượt là 12,8, 28,3 và 20% so với năm 2017; lượng đơn xác lập quyền SHCN được xử lý tăng 9,2%, trong đó kết quả xử lý sáng chế, giải pháp hữu ích và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng lần lượt là 12,8, 28,3 và 20%.

Bên cạnh đó, Cục SHTT đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại (tăng 50% so với năm 2017). Năm 2018 cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ của hoạt động SHTT ở địa phương. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về SHCN tiếp tục là điểm nhấn trong các hoạt động của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và công chúng. Nhiều địa phương đã chủ động và tích cực trong việc tuyên truyền, tập huấn về các quy định của pháp luật SHTT, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, khai thác quyền SHTT ở địa phương...

Các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng đã khẳng định hiệu quả của việc đầu tư đúng mức, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển các đặc sản địa phương, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, qua đó góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các biện pháp khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức khắp trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú.

Những khó khăn trong việc phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều địa phương cho biết họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Trước hết, đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay, cả nước chỉ có 02 Sở KH&CN có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về sở hữu công nghiệp (Phòng Sở hữu trí tuệ) là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chủ yếu được ghép chung với các lĩnh vực khác như an toàn bức xạ, thông tin... hoặc tại phòng Quản lý chuyên ngành. Tổng số cán bộ chuyên trách trên cả nước chỉ có 67 người (tương đương khoảng 1 người/tỉnh thành) trong khi cán bộ kiêm nhiệm nhiều hơn một chút (95 người) nhưng đang có xu hướng giảm do hoạt động bố trí sắp xếp lại vị trí, tinh giảm biên chế đối với một số cán bộ hợp đồng hoặc trên thực tế làm việc ưu tiên các công việc hành chính khác hơn so với hoạt động SHCN.

Bên cạnh đó, các đại biểu sở KH&CN cũng trao đổi về vướng mắc trong việc định giá tài sản trí tuệ khi mà cả nước có hơn 200 tổ chức định giá tài sản nhưng chủ yếu về tài sản hữu hình, hầu như không có kinh nghiệm đối với tài sản vô hình. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế vẫn được coi là phức tạp và mất nhiều thời gian. Một số địa phương cho biết họ cũng gặp các khó khăn liên quan đến việc duy trì, quản lý các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã có.

Thảo Ly

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.