Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Siết chặt trách nhiệm, bảo vệ người tiêu dùng
Sáng ngày 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo luật đã mở rộng việc sử dụng chung các kết quả đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở cho hoạt động công bố hợp quy. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Dự thảo luật cũng quy định miễn thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ một quy trình thay vì hai quy trình như hiện nay, từ đó giảm bớt gánh nặng hành chính. Ngoài ra, quy định về đăng ký hợp quy đã được chỉnh lý theo hướng tối giản, chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân thông báo công bố hợp quy trên cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đã đưa ra những ý kiến đóng góp quan trọng. Bà đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm việc giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến phân công trách nhiệm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các bộ quản lý chuyên ngành, đặc biệt trong khâu hậu kiểm, công bố kết quả đánh giá sự phù hợp và đánh giá sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn.
Bà Hải cũng kiến nghị không nên loại bỏ mà cần giữ lại quy định về công bố hợp quy. Thay vào đó, cần điều chỉnh nội dung về thủ tục công bố hợp quy theo hướng rà soát, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn nhanh chóng, hài hòa với quy chuẩn quốc tế, và điện tử hóa quy trình công bố hợp quy.
"Những vụ việc như sữa giả, gạo giả, thuốc giả cho thấy chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân cần được tiếp tục đặc biệt quan tâm. Vì vậy, không thể bãi bỏ việc công bố hợp quy", bà Hải khẳng định. Bà nhấn mạnh công bố hợp quy mang lại nhiều lợi ích như đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm (đặc biệt là hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường), bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng và tránh rào cản thương mại.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thừa nhận khó khăn hiện nay là trình tự, thủ tục còn kéo dài, gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp. Ông đề nghị rà soát, phân cấp, phân quyền cho Chính phủ quy định chi tiết, trong khi Quốc hội chỉ đảm bảo quy định sườn, khung chính trong lần sửa đổi này.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội tái khẳng định mục tiêu cốt lõi của lần sửa đổi luật này là phải quy định rõ ràng trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nhằm chấm dứt tình trạng "hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xảy ra, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính".
Minh Hà
TIN LIÊN QUAN
-
Thanh Hóa: Khởi tố thêm 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền
-
Hai con gái tranh chấp tài sản, nguy cơ mẹ già không có nơi ở
-
Kết luận điều tra đường dây sản xuất kẹo giả nhãn hiệu quy mô lớn tại La Phù, Hoài Đức
-
Nghe theo quảng cáo 'ngồi một chỗ vẫn có thể kiếm tiền', một người bị lừa gần 100 triệu đồng
Tin khác
