SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Sửa đổi Luật Sở hữu Trí tuệ để phát huy hiệu quả khai thác và bảo hộ

14:52, 15/09/2021
(SHTT) - Chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn hơn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan như tác phẩm, cuộc biểu diễn, v.v., tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài.

sua doi luat so huu tri tue

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tuy nhiên bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và năm 2019 vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Do đó, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.

Một trong những điểm mới của dự án luật là đề xuất các tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ tổ chức thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

Theo người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ, phương án này được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển Khoa học Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết có chủ trương: "Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ".

"Quy định này sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghệ đó", Bộ trưởng Khoa học Công nghệ nói.

Theo ông, phương án này được sự đồng tình của đa số thành viên Chính phủ vì vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghệ có sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện phương án, một số văn bản pháp luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Do số ít thành viên Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành, Ban soạn thảo đã thiết kế phương án 2, trình xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, quyền đăng ký sáng chế vẫn thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư. Việc này sẽ bảo đảm được nguyên tắc tài sản được tạo ra do Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước.

Dù vậy, trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước không có chức năng kinh doanh. Việc giữ nguyên quy định hiện hành cũng không thể giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì kịp thời thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp.

"Giữ quy định như cũ không thúc đẩy được việc khai thác, thương mại hóa; làm cho giá trị đầu tư của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể 'cởi trói' để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế", lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị xem xét bổ sung các quy định về các nội dung chuyển số cần quy định trong luật, trong đó có một số thủ tục như: Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến, tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất có thể. Bởi lẽ chuyển đổi số là xu hướng quan trọng hiện nay trên toàn thế giới, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu công nghiệp...

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhất trí với 7 nhóm chính sách của tờ trình dự thảo luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng,  các nhóm này lại chưa thể hiện được chính sách quan trọng liên quan đến chuyển đổi số - nội dung cốt lõi, xuyên suốt của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị quan tâm đến việc công nhận quyền nhân thân, quyền tác giả của trí tuệ nhân tạo độc lập hoặc kết hợp với con người.

Quan tâm đến chỉ dẫn địa lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc chỉ dẫn địa lý ở nước ta còn khá tràn lan. Nhắc lại vụ việc gạo ST25 bị đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại vấn đề các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đăng ký sở hữu trí tuệ doanh nghiệp, thương hiệu trong lãnh thổ Việt Nam nhưng sản phẩm lại bị các tổ chức nước ngoài đăng ký trước trên phạm vi quốc gia khác.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng thực hiện cụ thể từng điều khoản, gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng và thời gian theo quy định.

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 22 giờ trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.