SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 23/03/2024
  • Click để copy

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

15:11, 10/10/2021
(SHTT) - Trường ĐH Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm góp ý sửa đổi các quy định trong dự thảo luật về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và vấn đề bảo vệ quyền SHTT.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào quan hệ quốc tế như hiện nay.

Tuy nhiên, sau 15 năm được ban hành, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung ở quy mô lớn. Vì vậy, theo PGS.TS Bùi Xuân Hải các ý kiến đóng góp, các bài tham luận từ chuyên gia và cá nhân có quan tâm là rất hữu ích khi tạo lập một diễn đàn trao đổi về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

luat shtt

 Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

TS Trần Lê Hồng- Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng nhiệm vụ tiên quyết mà Nhà nước cần thực hiện trong quá trình hiện nay là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng quyền tác giả. Ngoài ra, việc hiểu rõ các nội dung điều chỉnh pháp luật cũng là một vấn đề cần quan tâm, nhất là việc tập trung giải quyết các vấn đề về quyền tác giả trong bối cảnh Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp bản quyền nhằm đóng góp 7% vào GDP tính đến năm 2030.

Thảo luận tại hội thảo, TS Trần Lê Hồng (HCMULAW) nhấn mạnh tới việc tập trung giải quyết các vấn đề về quyền tác giả trong bối cảnh Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp bản quyền nhằm đóng góp 7% vào GDP tính đến năm 2030. Nhiệm vụ tiên quyết là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng quyền tác giả.

Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết, một trong những bất cập của vấn đề này là chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, mà lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Về định nghĩa đồng tác giả, pháp luật Việt Nam chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”, do vậy, bà Yến cho rằng, quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định quyền tác giả đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào.

Liên quan đến quyền đối với giống cây trồng, TS Nguyễn Hồ Bích Hằng (HCMULAW) chỉ ra vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh tại khoản 3 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trong đó quy định mở rộng đối tượng quyền đối với giống cây trồng tại Dự thảo 2.0 Luật Sở hữu trí tuệ đã bị bỏ hoàn toàn trong Dự thảo 5.0.

Theo quan điểm của TS Hằng, việc loại bỏ hoàn toàn quy định điều chỉnh về đối tượng quyền đối với giống cây trồng trong Dự thảo 5.0 là một sự thiếu sót đáng tiếc khi xét đến tầm quan trọng của giống cây trồng mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam.

Đối với vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, PGS TS Lê Thị Nam Giang cho biết hiện nay chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như sự thiếu vắng nhiều quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng…

Bên cạnh đó, kể từ khi Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực ở Việt Nam, nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh được xác định là một trong những vấn đề mới cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật SHTT. Bằng việc giới thiệu kinh nghiệm lập pháp về nhãn hiệu âm thanh tại một số quốc gia phát triển, TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sát về vấn đề này nhằm phục vụ cho công tác sửa đổi, bổ sung Luật SHTT sắp tới.

Cụ thể, TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh đưa ra một số dấu hiệu âm thanh được sử dụng, bảo hộ nhãn hiệu như âm nhạc và âm thanh khác không phải là âm nhạc. Trong đó, một số dấu âm thanh cụ thể (quốc ca, các âm thanh mang tính kích động, bạo lực,...) sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ. Mặt khác, 02 tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (tính phân biệt và tính phi chức năng) cũng được TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh tiến hành phân tích trong phiên thảo luận này.  

Hà Trang

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Google đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp phạt vì vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) khi không đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác giám sát, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội mới đây đã kịp thời phát hiện và thu giữ 7.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu 'Ăn cùng bà Tuyết'.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Dù chiến thắng trong vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng Sam Smith & Normani thẩm phán vẫn quyết định các nghệ sĩ nổi tiếng phải tự chi trả phí luật sư lên tớ hơn 700.000 đô la.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh tại huyện Hoài Đức, qua đó phát hiện số lượng lớn.