SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Sự độc đáo tạo nên sức hút thương hiệu đũa cau Nàng Rưng Hương Khê

11:01, 03/02/2023
Đũa cau Nàng Rưng là sản phẩm độc đáo ở xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), danh tiếng vang xa và được ưa chuộng trên khắp cả nước.

Theo đường mòn Hồ Chí Minh từ trung tâm phố huyện Hương Khê, chúng tôi đi về hướng Đông Nam đến xã Phúc Trạch. Miền quê này nổi tiếng với bưởi Phúc Trạch đệ nhất danh quả, với thủ phủ dó trầm và đặc biệt là nghề làm đũa cau Nàng Rưng.

Có dịp ghé về Hà Tĩnh, anh Lê Quang Trung (35 tuổi, TP Huế) nhắn gửi mua giúp đũa Nàng Rưng.

Vót đũa thơm ra tiền

Đũa là dụng cụ ăn uống cổ truyền không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Khác với nhiều sản phẩm đũa trên thị trường thường làm từ gỗ, tre, xương, ngà voi, kim loại, chất dẻo, người dân xã Phúc Trạch sáng tạo ra loại đũa làm từ cây cau rừng rất đỗi mộc mạc có tên đẹp là Nàng Rưng.

Về xã Phúc Trạch đầu xuân, đi qua những khu vườn xanh mướt chồi non ngát hương hoa cam, hoa bưởi, thoang thoảng ấm dó trầm chợt nghe tiếng gõ nhịp của những bó đũa hòa giữa không gian phảng phất thơm dịu cau rừng. Ngồi vào mâm cơm ở đây cầm trên tay đôi đũa vàng rộm có hương thơm mát tỏa ra bởi làm bằng thân cau rừng Nàng Rưng đặc trưng khiến bữa cơm thêm ngon miệng hơn.

324571513_3409998319244376_1409415639517891951_n

 Thương hiệu đũa cau Nàng Rưng Hương Khê được ưa chuộng bởi làm thủ công từ nguyên liệu thiên nhiên an toàn và thơm, bền

Ông Phan Quốc Thanh - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê - giới thiệu: “Đũa cau Nàng Rưng là loại đũa được dân Hương Khê ưa chuộng nhất bởi đũa dùng không bị mốc, vân đẹp, bền”.

Yêu văn hóa quê hương, ông Thanh sớm nhận ra nét đặc sắc không nơi nào có được của đũa cau Nàng Rưng. Loài cây thường mọc ở các dãy núi đá vôi, cây chậm phát triển nên vân đẹp và thân đặc cứng. Chính vì vậy, ông thường giới thiệu nhiều người khách về với Hương Khê kết nối với vùng sản xuất mang đũa cau rừng đi muôn nơi.

“Nay do cách khai thác theo kiểu tận diệt nên cau làm đũa ngày càng hiếm, người dân phải sang tận Lào, ra Nghệ An, Thanh Hóa để mua nguyên liệu…”, ông Thanh cho biết.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến xóm 1 tìm vợ chồng bà Lê Thị Thanh và ông Lê Thanh Chiên - những người được xem là "tổ nghề" phát triển đũa Nàng Rưng. Giờ đây, vợ chồng ông bà vào miền Nam sống cùng con cháu nhưng nghề làm đũa Nàng Rưng ở lại với miền quê Phúc Trạch.

Người dân luôn biết ơn ông bà Thanh - Chiên, vẫn kể cho các vị khách phương xa về "cội nguồn" của đũa Nàng Rưng. Xuất thân từ nghèo khó, ông Chiên làm ruộng, chặt củi không đủ ăn. Trong “cái khó ló khôn”, ông thử chặt ít cây cau “năng – rưng” vót đũa lại bán được nhiều, có tiền nuôi con cái ăn học. Ngay ngày đầu tiên, ông bà bán được 50 đôi đũa từ ấy bén duyên bén nợ với nghề.

325013947_1398820390930577_2148366536485247116_n

Trước đây, đàn ông trong làng len mình giữa rừng sâu tìm lấy cau Nàng Rưng về làm dui (tức là làm phông) lợp nhà tranh, đồng bào Chứt lấy đọt cau Nàng Rưng ăn… 

"Qua thời gian thấy đũa cau Nàng Rưng do bà Thanh, ông Chiên làm dùng tốt, bền, đẹp lại không ẩm mốc nên Tết đến cả làng rủ nhau vót mỗi nhà 10 – 20 đôi đũa để dùng. Khi làm dư, nhiều người thích đã hỏi mua mới đem bán thành hàng hóa và ngày càng được ưa chuộng”, bà Nguyễn Thị Hà (xóm 1 xã Phúc Trạch) kể lại.

Các nghệ nhân truyền miệng cho nhau cách chọn cây cau sao cho mềm dễ chặt, dễ bào hơn các loại cây thân gỗ khác, từ đó làm ra đũa thẳng, độ bền cao, không hút nước, ít bị ẩm mốc. Những nghệ nhân làm đũa cau Nàng Rưng dùng cây cau đường kính thân từ 5 – 10 cm, phần gốc cau làm đũa loại đặc biệt và phần ngọn được dùng làm đũa loại 2,3. 

Bà Hà vừa trò chuyện vừa liên tục bào nhẵn từng chiếc đũa. Cây cau đưa về xưởng sẽ cưa ngắn khoảng 20 cm trước khi làm những công đoạn tỉ mỉ như chẻ cau, vót cau, bào thô, bào trơn, chà và phơi khô.

“Trước khi thành phẩm, người làm đũa còn dùng lá chuối khô để chà xát giúp đôi đũa mất hết phần xơ và trở nên láng mịn. Đũa Nàng Rưng trải qua 7 nắng hoặc ngày mưa phải hầm than trong 9 tiếng trong đó 3 tiếng đưa bên bếp than, 3 tiếng hạ thổ rồi lại đưa lên than mới được cây đũa bền, đẹp”, bà Hà chia sẻ.

“Gần 20 năm làm nghề đũa Nàng Rưng, tôi bây giờ thấy công đoạn nào cũng dễ. Nhưng hồi mới làm không như vậy”, bà Hà vừa nói vừa vân vê chiếc đũa mới thành phẩm. Theo bà Hà, nếu người làm đũa chưa thạo, khi vót đũa đầu trên, hình vuông sẽ dễ thành hình bình hành, đầu tròn xoay không đều sẽ méo, xẹp khiến chiếc đũa không đảm bảo về mặt thẩm mỹ.

41677649_1698387260289037_7339726915588063232_n

 Đũa cau Nàng Rưng Hương Khê dẫn đầu thương hiệu đũa an toàn do người tiêu dùng bình chọn năm 2015.

Đũa cau tuy mềm mà cứng, trông cứng song lại mềm. Xiên bánh chưng bằng đũa này không bị gãy như những loại đũa khác. Nếu cây cau đủ độ cứng đũa không gãy, trái lại nếu quá mềm thì người làm đũa khó tránh khỏi bào tay. 

Phát triển thương hiệu cần sự hỗ trợ đường dài

Bàn tay thoăn thoắt đưa qua đẩy lại trên chiếc bào đũa, bà Hà tâm tình: “Nghề làm đũa này không phải ai cũng làm được bởi ngồi mãi bên cái bào đũa cũng mỏi lưng”.

Miệt mài, mỗi ngày làm đũa người nghệ nhân lại có những sáng kiến thay đổi cho việc làm đũa nhẹ nhàng và phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng hơn. Ban đầu vót bằng dao sau nhờ thợ hàn sáng chế mày mò ra máy bào, làm bằng sắt thép và nhôm để bào đầu tròn và đầu vuông riêng biệt cho đũa Nàng Rưng. 

Năm 2011, HTX đũa cau Nàng Rưng ra đời kết nối các hộ sản xuất trở thành thành viên. Nhờ có sự quảng bá, kết nối tiêu thụ của hợp tác xã, sản phẩm đũa Nàng Rưng thiên nhiên giờ đây không chỉ bán trong xóm, trong xã mà đã vươn ra khắp nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Để làm lớn mạnh thương hiệu đũa cau Nàng Rưng Phúc Trạch, địa phương tạo điều kiện cho các thành viên về vốn, hỗ trợ 2 – 3 triệu để mua phương tiện làm đũa; cho vay vốn 30 triệu đồng/hộ để duy trì nghề, mua nguyên liệu đầu vào đối với những thành viên có khó khăn.

325113420_1375978256544907_6467035113372699362_n

 Hợp tác xã sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu, làm bao bì, nhãn mác và đăng ký để được công nhận sản phẩm OCOP và rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ địa phương.

“Nhờ thông tin đại chúng, làng nghề đang được biết đến nhiều hơn loại đũa không ngâm tẩm hóa chất độc hại, hương thơm tự nhiên. Nhiều người biết thì bán được nhiều, sản phẩm vào được siêu thị bán với giá tốt hơn”, bà Hà chia sẻ. 

“Khi làm nhiều không ai mua, khi người mua nhiều lại không có bán. Mai sau con cháu có phát huy được nghề không hay sẽ mai một. Tôi đang đặt làm máy để giảm công sức lao động, có thể sản xuât hàng loạt khi đó già trẻ gì cũng có thể làm đũa”, bà Hà không khỏi lo lắng 10 năm nữa không ai kế nghiệp.

Giờ đây có điện thoại thông minh, khách hàng tứ xứ đặt hàng qua mạng. Có nhiều người làm ăn lâu năm nhưng cũng không biết mặt vì luôn tương tác trực tuyến. “Nhà tôi chỉ dùng đũa Nàng Rưng. Ngày Tết, rằm tháng bảy đều mua ít bó… dùng thích mà không mốc lại thơm nhẹ”, bà  Nguyễn Thị Tuyết (Thị trấn Hương Khê) đến mua đũa nói.

Theo UBND xã Phúc Trạch, xã hiện có 20 hộ gia đình tại 2 thôn 1 và 3 duy trì nghề làm đũa, nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có tiền nuôi con học đại học,

Mỗi ngày, một xưởng làm được hàng trăm đôi đũa, mỗi năm hàng chục vạn đôi. Giáp Tết, trời Hà Tĩnh đôi khi lạnh căm, rét buốt để hoàn thành đơn hàng người dân thức trắng đêm vót đũa. Những chuyến tàu, xe chở đũa cau Nàng Rưng đi khắp bốn phương làm yên vui thêm nhiều bữa cơm gia đình.

Bảo Hòa  

Tin khác

Kinh tế 6 giờ trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 6 giờ trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế 12 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Xiaomi ra mắt Civi 4 Pro là điện thoại đầu tiên trang bị chipset Snapdragon 8s Gen 3 và camera mang nhãn hiệu Leica. Đây là một bản nâng cấp vượt bậc so với những mẫu điện thoại tầm trung mà hãng đã ra mắt trước đó.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã gửi thông báo về việc tăng cường kiểm tra ớt nhập khẩu về an toàn thực phẩm...