SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Sông Côn mùa Tết

07:40, 06/02/2019
(SHTT) - Quê tôi ở thị trấn Phú Phong, miền đất võ Tây Sơn - nơi có dòng sông Côn chảy ngang qua lòng phố thị trước khi đổ về đầm Thị Nại và ra biển. Con sông gắn liền với tôi bao ký ức học trò, những ngày trẻ thơ cơ cực.

 Lớn lên, tôi biền biệt mưu sinh nơi xứ người, nhưng dòng sông như luôn thôi thúc tôi về thăm cố hương, nhất là dịp Tết. Ngày Tết Nguyên đán mọi nơi chỉ có 3 ngày, nhưng quê tôi chơi tới 5 ngày. Ngày Tết mùng 5 âm lịch - ngày lễ Đống Đa luôn in sâu trong trái tim tôi cùng những kỷ niệm nhắc nhớ về những trận đánh trên sông. Nhớ lại chuyện xưa, bọn học trò tụi tôi cũng chia phe phái, đóng giả quân Thanh, quân Tây Sơn, rồi có những trận trên sông thật là hồn nhiên và gợi nhớ. Có những thứ, dù vẫn nhớ, vẫn muốn, vẫn yêu nhưng lại không thể dang tay ôm chúng vào lòng. Con sông Côn cũng vậy. Nó như nước những cơn mưa đang trôi qua sông, cứ mải mê xuôi về biển cả mà không giữ lại dòng trôi, ngày tháng.

song con

 

 Hoài niệm mùa lũ sông Côn

Tôi vẫn đi về rồi lại rời quê thấm thoát đã hơn ba mươi năm. Từ một chàng trai thư sinh, yêu đời luôn muốn bay xa, nhưng dòng thời gian đã âm thầm cản bước, níu giữ tôi trở thành một kẻ cũ kỹ, luôn hoài niệm.

 Trong ký ức tôi sông Côn rất đẹp. Nó nằm cuối con phố nhà tôi, đi xuống con dốc chợ là bãi cát vàng óng mênh mông. Thuở nhỏ tôi và những đứa bạn cùng trang lứa thường ra bãi sông chia phe đá banh, đá chán lại cùng nhau chơi vật, hoặc chia phe nhau chơi đá gà người… Chơi chán thì nhào xuống sông tắm, nước sông mát rượi, đứa nào cũng ngụp lặn rồi đùa vui với nước. Hình ảnh dòng sông Côn đã thành kỷ niệm đậm nét trong tâm hồn, nỗi nhớ của tôi.

Mỗi năm tới mùa lũ, nước ngập tràn cầu Kiên Mỹ từ bên này muốn qua bên kia sông phải đi đò chèo, có năm có đò máy, nhưng rồi hư hỏng cũng trở lại đò chèo. Khi đò ra tới giữa sông mà gặp gió to sóng lớn, nếu không phải là người có kinh nghiệm, vững tay chèo, đò có thể lật úp. Những ngày lũ, gió rét nguy hiểm, nhà có người sang sông người thân phải ra bến đò trông ngóng, cho đến khi thấy chiếc đò chèo nhỏ xíu chở khẳm người xuất hiện mỏng manh như chiếc lá giữa dòng nước cuồn cuộn chảy hướng mũi về bờ mới thực sự yên tâm. Nhà thầy chủ nhiệm tôi ở bên kia sông. Thuở nhỏ đi học vào mùa lũ, chúng tôi cứ ra sông xem nước lũ lên cao và ngóng chờ thầy chủ nhiệm. Có khi cũng mong thầy không đi được đò, để được… nghỉ học. Nói sao đi nữa đó là những kỷ niệm khó có trong đời.

Tôi nhớ mỗi chiều tà thả diều trên sông với những cơn gió mát mẻ khẽ lay từng đám mía trổ cờ, từng rẫy mì, soi dâu xanh ngắt một màu. Những ngọn gió mát lành dịu ngọt ấy thổi suốt qua thời tuổi thơ, thổi vào lòng tôi một ước mơ bay bổng. Nhưng thực tế khi những nhà máy dâu tằm, bột mì và đường mọc lên, thì màu nước sông Côn không còn trong như xưa nữa và sức chảy cũng nhọc nhằn hơn. Có lẽ, phía trên thượng nguồn dòng sông đã bị chia nước cho các hồ thủy điện, thủy lợi. Tuy vậy, nhưng người dân quê tôi cũng bị một trận lụt kinh hồn còn hơn năm Thìn (1964). Bởi con nước tràn về được cộng dồn thêm nước xả lũ của các hồ đập. Lại nhớ những năm mùa lũ, cá về nhiều, chúng tôi thường rủ nhau đi câu hay thả lưới. Những con cá luối, cá thác lác, cá bống, cá diếc mới câu được còn sống nhảy tưng tưng, trông rất thích mắt. Tôi mê nhất là cá diếc sông Côn. Tuy thịt ít vì thân cá dẹp, nhưng ăn rất ngọt và ngon. Quê tôi người ta thường nấu canh cá diếc rau răm, sau này dân nhậu đưa món gỏi cá diếc lên thành đặc sản, thết đãi khách phương xa.

song con 1

 

Hương tết miền đất võ

Con sông Côn quê tôi bây giờ đã trở nên nham nhở, bởi sự tác động mạnh mẽ của con người trên dòng sông. Nào là nạn đào hút cát cho đến xả thải công nghiệp, ngăn đập làm thủy điện. Bãi cát vẫn còn đó, nhưng kém mỹ quan, bọn trẻ con không còn chơi thả diều hoặc tắm sông nữa. Và theo đó, các bến nước, cây đa, cảnh con đò cùng đã lui vào trong tâm trí của những kẻ hoài niệm như tôi, chứ không còn thấy ngoài đời. Hình ảnh cộng đồng ngày giáp Tết là các bà, các chị xuống sông gánh nước, giặt giũ, hoặc ngồi gói bánh chưng, bánh tét đã không còn nữa, làm cho dòng sông Côn nhạt nhòa hồn vía và vẻ quyến rũ ngày xưa cũng đã mất đi.

Trên thực tế, trong công cuộc đổi mới, Tây Sơn quê tôi có những phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của huyện tăng trưởng khá bởi nền sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương mại, dịch vụ du lịch đều có bước phát triển. Điều dễ dàng nhận thấy là những năm gần đây, lãnh đạo huyện và tỉnh đã rất chú trọng đền việc bảo tồn và phát triển dòng văn hóa phi vật thể ở Tây Sơn, nhằm thu hút du khách. Đó là việc đầu tư, đào tạo có bài bản các hoạt động lễ hội, hát bội (tuồng), nhạc võ Tây Sơn, bài chòi, đặc biệt là lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa mùng 5 Tết.

Sông Côn mỗi khi qua mùa lũ sẽ có thêm nhiều phù sa làm cho đất đai thêm màu mỡ, cây trái dần xanh, muôn hoa tươi thắm để đón chào mùa xuân đến. Ngày Tết tôi về vẫn như mọi năm là mang theo một ước mơ duy nhất được đặt chân lên những con đường phố cũ, hòa vào ngọn gió mát lành của dòng sông Côn.

Ngày Tết về lại sông Côn là tôi về lại với cố hương, về với tuổi thơ hồn nhiên chắp cánh cho những ước mơ bay bổng. Tôi thích lang thang thăm phố cũ, trường xưa, bạn bè thân yêu, bà con quyến thuộc. Mải nhìn dòng sông, đôi lúc bất chợt, từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi nhận ra rằng, sông Côn của tôi cũng giống như sông Đáy - cố hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

…. Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả

Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm

Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt

Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc

Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn

Tỏa mát cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi

Một cây ngô cuối vụ khô gầy Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.

Tại sao tôi lại liên tưởng giữa sông Côn và sông Đáy? Sông Đáy là một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc, chảy qua các tỉnh và thành phố Hà Nội. Vua Quang Trung khởi đầu từ dòng sông Côn mùa xuân với mai vàng rực rỡ, để ra Hà Nội đón xuân cùng binh sĩ với cành đào hồng tươi trong sắc xuân mừng thắng trận quân Thanh xâm lược đã 230 năm.

Tôi được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Côn, chứng nhân của một thời hùng dũng, khí thế ngất trời hòa quyện trong tiếng trống trận Quang Trung. Ngày nay, dòng Côn giang vẫn miệt mài xuôi về biển, mặc cho bao thăng trầm thế cuộc, bao thay đổi cuộc đời. Với tôi, đón xuân trong ngôi nhà cũ bên dòng Côn giang hiền hòa ngày đêm lững lờ trôi mãi mãi là niềm vui và sự ấm áp nhất trong suốt cuộc đời. Dòng sông tuổi thơ không bao giờ phai mờ trong ký ức. Và, cuộc sống quê tôi cũng sẽ bừng lên trong sắc xuân ngày Tết.

Duy Khanh

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
(SHTT) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy đã trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ thông tin Việt Nam (Vinasa) mới đây đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ.