Sở Y tế Hà Nội tập trung phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ, ngập lụt
Hậu quả của bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn Hà Nội không chỉ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản mà còn để lại những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người dân. Sau bão lũ, nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước, thực phẩm do các mầm bệnh, chất thải sinh hoạt và động vật bị cuốn theo dòng lũ trở nên đáng lo ngại. Mưa lũ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và các trung gian truyền bệnh phát triển dẫn đến sự gia tăng của các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, bệnh ngoài da, bệnh về mắt và đặc biệt là sốt xuất huyết.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế về công tác đáp ứng y tế trong mùa mưa lũ năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường. Tính đến chiều ngày 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng. Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450 kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Về tình hình dịch, bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca mắc sốt xuất huyết. Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hoá, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.
Tại các cơ sở y tế đảm bảo tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khi nước rút theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt, phòng chống tai nạn thương tích với nhiều hình thức (truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hàng ngày…)
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc và gia cầm chết do mưa lũ làm thực phẩm hoặc chế biến món ăn. Trong các khu vực bị ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng, người dân nên ưu tiên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như lương khô, mì gói và nước uống đóng chai.
Nếu nguồn cấp nước, chẳng hạn như giếng khoan hoặc giếng khơi bị ngập lụt, cần lọc và khử trùng nước trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Các tổ chức và cá nhân hỗ trợ thực phẩm cho người dân vùng lũ cần đảm bảo lương thực, thực phẩm và nước uống không bị hỏng, mốc, giập vỡ hoặc hết hạn sử dụng trước khi phân phát đến tay người dân.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Thanh Hóa tổ chức lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
-
Thanh Hóa: Công an huyện Hậu Lộc vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân
-
Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp: ‘Chìa khóa đón đầu’ giai đoạn phát triển mới
-
Hà Nội thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công