SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường

08:46, 27/05/2021
(SHTT) - Theo Tổ chức SHTT Thế giới - WIPO, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 90% số doanh nghiệp trên thế giới, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu và tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Maldonado-Guzmán trong bài viết “Quản lý tri thức như tài sản trí tuệ (TSTT): Bằng chứng từ các DNNVV ở Mexico” xuất bản năm 2016, động lực thị trường cạnh tranh đòi hỏi các DNNVV phải kết hợp quản lý tri thức như một phần của chiến lược kinh doanh. Trước đó, từ năm 2013, chuyên gia Holgersson đã nhận định trong cuốn R&D Management tức Quản trị nghiên  cứu và phát triển rằng: các nhà quản lý phải đưa ra một số lựa chọn chiến lược để thu được lợi tức đầu tư trong quá trình đổi mới chẳng hạn đăng ký bằng sáng chế …v.v…

Nói về mức độ quan tâm của các DNNVV dành cho sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: những năm gần đây lượng đơn đăng ký nhãn hiệu và các loại đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) tại Cục SHTT tăng rất mạnh. Tổng số đơn đăng ký xác lập quyền SHCN năm 2018 khoảng 65000 đơn; đến năm 2019 tăng lên khoảng 75000 đơn và năm 2020 là trên 76000 đơn. Tùy theo từng đối tượng, lượng đơn từ năm 2000 đến nay mỗi năm tăng khoảng 10-15%, có những năm tăng đến 25%. Các DNNVV cũng rất quan tâm trong việc đầu tư xây dựng các TSTT, đưa ý tưởng của mình biến thành các TSTT để hoàn thiện, ứng dụng, bảo hộ và đưa ra thị trường; họ cũng tăng mức độ quảng cáo truyền thông, xây dựng thương hiệu và có những doanh nghiệp có cả nhân sự chuyên trách, bộ phận quản trị tài sản trí tuệ.

1

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. Hồ Chí Minh 

Thương trường là chiến trường. Trong thời đại một ý tưởng có thể quyết định hướng đi của cả doanh nghiệp như hiện nay, SHTT được ví như công cụ hữu hiệu giúp các tổ chức kinh doanh tự tin hơn trên mọi “mặt trận”. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp doanh nghiệp mạo hiểm khi không biết rằng mình đang nắm giữ các TSTT hoặc chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của TSTT, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội cải thiện vị thế và chậm tăng trưởng. Theo nghiên cứu được đăng tải cách đây không lâu trên Tạp chí Quốc tế về Giáo dục và Nghiên cứu Đổi mới; mặc dù nhóm DNNVV trong các nền kinh tế quốc gia có tầm quan trọng ngày càng tăng thế nhưng cộng đồng kinh doanh này thường không sử dụng đầy đủ các cơ chế bảo hộ và là đối tượng dễ bị chiếm đoạt TSTT do hai nguyên nhân: thứ nhất, chi phí bảo hộ và thực thi cao; thứ hai, thiếu nhận thức về tầm quan trọng và chức năng của các phương tiện bảo vệ, đặc biệt là các công cụ pháp lý của quyền SHTT.

Chia sẻ về điều này, ông Trần Truyền Tiến, Giám đốc công ty TNHH Mandy, cho rằng: để có một ý tưởng là chuyện khó, và để ý tưởng đó trở thành giải pháp cụ thể để có thể ứng dụng thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, thực nghiệm. Có những trường hợp mặc dù không cố ý nhưng có thể vì quá vui mừng trong việc tạo ra sản phẩm mới, dẫn đến việc tung sản phẩm lên trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến việc xác lập quyền sau này.

2

 Ông Trần Truyền Tiến, Giám đốc công ty TNHH Mandy

 Không ít vấp ngã đáng tiếc vì thiếu phòng vệ bằng quyền SHTT đã dần thức tỉnh cộng đồng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thậm chí hộ kinh doanh, cá nhân… không còn cho rằng chỉ có những thương hiệu danh giá mới bị trục lợi tên tuổi hoặc chỉ có những món hàng đắt giá mới cần chống làm giả - làm nhái. Con đường biến ý tưởng trở thành giải pháp, sản phẩm, dịch vụ - định vị thương hiệu doanh nghiệp trong tâm trí của người tiêu dùng không hề êm ái nhưng sẽ bớt chông gai hơn nhiều với sự giúp sức của quyền SHTT.

Ở thời điểm hiện nay, khi mong muốn phục hồi kinh tế đang cháy bỏng hơn bao giờ hết, vấn đề mang ý tưởng đến với thị trường lại càng thắp sáng vai trò quan trọng của SHTT đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm DNNVV khi họ hoàn toàn có thể sử dụng TSTT để xây dựng doanh nghiệp mạnh hơn, cạnh tranh hơn, có sức bền hơn. Đây cũng là chính là lý do, năm 2021, Tổ chức SHTT Thế giới - World Intellectual Property Organization - gọi tắt là WIPO đã lấy chủ đề “SHTT & DNNVV: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”.

3

 Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT

 Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, cho biết: hằng năm Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đều chọn lựa một chủ đề nhân ngày SHTT thế giới để truyền tải thông điệp tới cộng đồng xã hội. Năm nay WIPO lựa chọn thông điệp “SHTT & DNNVV: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”. Thông điệp này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế có rất nhiều các DNVVN. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, khi mà 97% số doanh nghiệp trong nước là các DNVVN, tạo ra gần một nửa số GDP của cả nước, tạo ra việc làm cho khoảng gần 5 triệu người. Các DNVVN trong thời gian vừa qua thể hiện rõ sự ứng biến linh hoạt trong đại dịch Covid-19, góp phần trụ vững nền kinh tế chung của cả nước, đóng góp vào sự tăng trưởng 2,91% GDP của Việt Nam năm 2020. Vì thế, thông điệp của tổ chức SHTT thế giới WIPO năm 2021 đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và đối với cả đất nước Việt Nam nói chung.

Thế giới của sáng tạo là không có điểm dừng. Nhưng nếu không tự bảo vệ mình bằng các quyền SHTT, doanh nghiệp có thể phải dừng bước sớm hơn mong muốn. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, những bộ óc sáng tạo không ngừng đưa ra các ý tưởng mới. Một vài trong số đó thực sự sẽ trở thành các sản phẩm và dịch vụ đến tay chúng ta thông qua thị trường. Một số khác thì không làm được bởi con đường hiện thực hóa vấp phải quá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bằng cách chú trọng các quyền SHTT, doanh nghiệp có thể đưa ra một kịch bản tốt hơn để hiện thực hóa và thương mại hoá ý tưởng của mình.

Trong vai trò của Tổ chức trung gian, Hội Sáng chế Việt Nam là một tổ chức hỗ trợ rất nhiều cho các nhà sáng tạo, nhà sáng chế hiện thực hóa ý tưởng, giải pháp kỹ thuật. Tiến sỹ Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, khẳng định: Hội Sáng chế Việt Nam tạo điều kiện để các nhà sáng chế giới thiệu ý tưởng, chia sẻ với nhau các ý tưởng và xem xét, đánh giá các ý tưởng đấy có giá trị thương mại hay không, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ý tưởng đó.

4

 Tiến sỹ Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam

Với quyền SHTT, một ý tưởng hôm nay có thể là những viên gạch đầu tiên của một doanh nghiệp ngày mai, tạo ra biết bao giá trị quý báu như cung cấp công ăn việc làm, anh sinh xã hội tốt cho cộng đồng,  mang đến cho người tiêu dùng phong phú sự lựa chọn. Đây là lý do vì sao chúng ta rất cần cổ vũ, ủng hộ hoạt động sáng tạo nói chung, sự sáng tạo của nhóm DNNVV nói riêng bởi đây được xem là lực lượng trụ cột của nền kinh tế đất nước.

Nói về tình hình hoạt động của khối DNNVV ở TP.HCM trong thời kỳ Covid-19 liên quan đến các hoạt động sáng tạo đi đôi với thực hiện các quyền SHTT, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH-CN và Cơ sở thuộc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy hoạt động quản trị TSTT trong các doanh nghiệp đặc biệt là các DNVVN đang còn rất nhiều hạn chế. DNNVV đã có nhận thức về SHTT  nhưng chỉ dừng lại ở việc đăng ký xác lập quyền SHTT. Chúng tôi đang mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế quản trị TSTT nội bộ, song song đó chúng tôi cũng mong muốn, xây dựng được đội ngũ chuyên gia về quản trị TSTT trên địa bàn thành phố, cung cấp các dịch vụ tư vấn về quản trị TSTT cho các DNVVN các vấn đề liên quan đến việc đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp”.

5

 Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH-CN và Cơ sở, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh

Có thể nói, hơn ai hết, các doanh nghiệp là người cảm nhận rõ sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động sáng tạo đi đôi xác lập các quyền SHTT. Ông Trần Truyền Tiến, Giám đốc công ty TNHH Mandy cho biết: “Hiện tại hầu hết gần 80% các sản phẩm mà chúng tôi tung ra thị trường chứa đến 80%  TSTT có trong đó. Ví dụ những sản phẩm đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế mang lại lợi thế về mặt công nghệ, kỹ thuật; những sản phẩm đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang lại lợi thế về hình ảnh, mỹ thuật của sản phẩm; bảo hộ nhãn hiệu thể hiện bộ mặt hình ảnh của doanh nghiệp”.

Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến bảo hộ quyền SHTT. Là một trong những Đại diện SHTT có uy tín, ông Nguyễn Hải Dương, Phó Giám đốc Công ty SHTT Quốc tế Invenmark, chia sẻ: thực tế tôi thấy rằng sự quan tâm của doanh nghiệp đối với SHTT còn nhiều hạn chế, nổi bật nhất gần đây chính là những tranh chấp nhãn hiệu, tài sản trí tuệ giữa Việt Nam và nước ngoài phải kể đến một số trường hợp như Võng xếp Duy Lợi, Bia Đại Việt, Vinamilk, Nước Mắm Phú Quốc; nhất là mới đây là câu chuyện nhãn hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Sự quan tâm đó cần phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể, mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, Cục SHTT đã có rất nhiều chính sách và giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các TSTT, công nghệ mới, cũng như sử dụng quyền SHTT để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết: được sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ KH&CN, Cục SHTT đã triển khai một loạt các biện pháp, trong đó đối với các DNNVV, Cục SHTT đã đề xuất với Chính phủ và đã trình ban hành Chiến lược SHTT quốc gia giai đoạn 2020-2030, đồng thời xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2021-2030, theo đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng đẩy mạnh việc xử lý đơn các đối tượng SHCN, đặc biệt hướng đến hỗ trợ các DNNVV đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN ở trong nước, tư vấn hỗ trợ đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN tại thị trường nước ngoài, tiến hành giảm 50% lệ phí SHCN trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh covid-19.

Năm 2007, chiếc Iphone đầu tiên được giới thiệu ra thị trường và nhà sản xuất đã bị chê cười vì điện thoại không có bàn phím. Tuy nhiên đến giờ phút này, táo khuyết đã trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường smartphone phân khúc trung và cao cấp.

Hãy luôn sáng tạo và trân trọng những ý tưởng tích cực – đó cũng chính là một tinh thần của ngày 26/4 – Ngày SHTT thế giới năm nay. Vì thế, nhân Ngày SHTT thế giới 26/4 năm nay, Tiến sỹ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT lưu ý các doanh nghiệp nên chú trọng khai thác, ứng dụng, thương mại hóa các TSTT, tích cực đẩy mạnh đăng ký bảo hộ các TSTT có được. Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH-CN và Cơ sở, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh: “Hoạt động  liên quan đến SHTT cần có sự phối hợp tham gia của nhiều bộ phận trong doanh nghiệp, từ bộ phận R&D, quản trị, pháp chế đến các bộ phận marketing và bán hàng”. Còn ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. HCM thì gửi lời chúc các DNNVV luôn vững tay chèo, vững bước để đưa các ý tưởng có giá trị ứng dụng và giá trị thương mại ra thị trường; luôn bền chí trên con đường xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo, dựa trên các quyền SHTT nhằm đưa thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra toàn thế giới”./.

Minh Tuệ

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.